Cốt khí củ thuốc nam giảm đau, tiêu sưng

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Cốt khí củ có nguồn gốc từ Đông Á, được sử dụng trong các bài thuốc Y học cổ truyền và lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ.

 Cốt khí củ

Vị thuốc cốt khí củ

Vài nét về vị thuốc cốt khí củ  

Cốt khí củ còn gọi với các tên khác như điền thất, hổ trượng, hoạt huyết đan. Mặc dù vị thuốc có nguồn gốc Đông Á, nhưng thường mọc lan tới các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới.

Cốt khí củ thường được trồng lấy rễ củ làm thuốc. Cây có ở Sa Pa, mọc hoang ở đồi núi, ven đường.

Cốt khí củ thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu (tháng 8, 9). Cây thuốc sau khi đào về, đem cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát; thái mỏng, phơi hay sấy khô.

Theo bác sĩ Trần Tú – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, thầy thuốc Hữu Định cho hay, cao cốt khí có tác dụng trong việc giải nhiệt và giảm đau khi thử nghiệm trên chuột (chuột cống, chuột nhắt); có khả năng làm lành vết bỏng bằng tăng cường hệ miễn nhiễm và chức năng tim do có chất tăng cường chức năng tuần hoàn vi mạch huyết quản và tim trong shock do bỏng.

Cốt khí củ có tác dụng bảo vệ màng dạ dày khỏi bị loét do stress; hơi ức chế tiết dịch vị dạ dày; mặc dù vị thuốc không có tác dụng lên huyết áp nhưng có tác dụng ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Cốt khí củ sau khi phơi khô

Cốt khí củ sau khi phơi khô

Các bài thuốc trị bệnh từ cốt khí củ trong dân gian

Theo y học cổ truyền, cốt khí củ vị ngọt đắng, tính mát; vào tâm, thận. Vị thuốc có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, khu phong trừ thấp, lợi tiểu, giải độc, giảm đau.

Kinh nghiệm dân gian, cốt khí củ có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, chữa đau lưng, đau mình, tê thấp, ngã sưng đau, ứ huyết, kinh nguyệt bế…

Bài thuốc chữa phong thấp đau nhức xương: cốt khí củ 12g, cỏ xước 8g, đơn gối hạc 12g, hy thiêm 8g, binh lang 6g, uy linh tiên 6g. Các vị sao vàng hạ thổ. Sắc uống trong ngày. Uống  7-10 ngày.

Bài thuốc chữa đau lưng: cốt khí củ 12g, rễ lá lốt 12g, dây đau xương 12g, cỏ xước 12g, cam thảo Nam 8g, nhân trần 8g, quế chi 6g, mã đề 8g. Sắc uống trong ngày.

Bài thuốc trị thương tích, ứ máu, đau bụng: cốt khí củ 20g, lá móng 16g. Sắc lấy nước, pha thêm ít rượu để uống trong ngày.

Bài thuốc trị sưng vú: cốt khí củ 12g, rễ lá lốt 10g, cốt khí muồng 12g, bạch truật 8g, bồ công anh rễ 10g. Sắc uống trong ngày.

Mặc dù mang những tác dụng có lợi đối với sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng và cây thuốc này rất dễ nhầm lẫn với các cây thuốc khác như cốt khí thân trắng, cốt khí dây, cốt khí muồng (hay cốt khí hạt), cốt khí thân tím. Theo đó, bạn hãy tham khảo và khám chữa tại các cơ sở uy tín, thầy thuốc có chuyên môn để có thể khám chữa bệnh một cách tốt nhất.

Nguồn: benhhoc.edu.vn