Hỏi đáp chuyên gia: Viêm tai giữa ở trẻ em và những điều cần biết

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em là tình trạng viêm nhiễm trong khoang tai giữa, thường xảy ra ở trẻ em với những tác hại nghiêm trọng buộc các cha mẹ cần lưu tâm.

Hỏi đáp chuyên gia: Viêm tai giữa ở trẻ em và những điều cần biết

Hỏi đáp chuyên gia: Viêm tai giữa ở trẻ em và những điều cần biết

Đây là căn bệnh khiến rất nhiều mẹ lo lắng khi trẻ em là một trong những đối tượng thường gặp. Theo đó, chuyên trang Bệnh học đã có buổi trò chuyện cùng các chuyên gia trong chuyên mục Hỏi đáp Bệnh học xoay quanh vấn đề này:

Hỏi: Thưa chuyên gia, chuyên gia có thể cho độc giả biết khái niệm về viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em?

Trả lời

Viêm tai giữa (VTG) cấp tính là tình trạng viêm nhiễm trong khoang tai giữa. Bệnh cảnh của viêm tai giữa cấp tính thay đổi tùy theo tuổi tác của bệnh nhân, tùy theo vi trùng gây bệnh, tùy theo thể địa… thời gian kéo dài dưới 3 tháng. Tình trạng viêm nhiễm này có thể lan đến xương chũm, các tế bào quanh mê đạo và đỉnh xương đá.

Hỏi: Vậy những nguyên nhân nào gây ra viêm tại giữa thưa chuyên gia?

Trả lời:

Nguyên nhân chính của viêm tai giữa cấp tính là viêm vòm mũi họng, quá trình viêm vào tai bằng con đường vòi Eustache là chủ yếu, ít khi viêm nhiễm xâm nhập bằng đường máu hoặc đường bạch huyết. Sự viêm nhiễm này có thể gây ra bởi các bệnh nhiễm trùng toàn thân như cúm, sởi… hoặc những bệnh cục bộ như viêm mũi, viêm xoang, viêm V.A, u vòm mũi họng, hoặc nút mũi sau để quá lâu. Nói chung viêm tai giữa cấp tính thường gặp ở trẻ em có VA hoặc có thể địa bạch huyết.  Rách màng nhĩ do chấn thương cũng là một nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp tính.

Hỏi: Dấu hiệu của viêm tai giữa là gì thưa chuyên gia?

Trả lời:

Bệnh cảnh của viêm tai giữa cấp tính thay đổi tùy theo tuổi tác của bệnh nhân, tùy theo vi trùng gây bệnh, tùy theo thể địa… Ở đây mô tả thể điển hình.

Giai đoạn đầu: Bệnh nhân thường là em bé đang bị sổ mũi, ngạt mũi, đột nhiên bị đau tai nhiều kèm theo sốt cao 40 độ C. Khám màng nhĩ thấy một vùng sung huyết đỏ ở góc sau hoặc ở dọc theo cán búa, hoặc ở màng Shrapnell.

Giai đoạn toàn phát: Mủ bắt đầu xuất hiện trong hòm nhĩ, có hai trường hợp.

Màng nhĩ chưa vỡ: Mủ bị tích trong hòm nhĩ như trong một áp xe và gây ra những triệu chứng chức năng, toàn thân và thực thể rõ rệt.

* Triệu chứng chức năng:

− Đau tai mỗi ngày một tăng, đau rất nhiều, đau sâu trong tai, đau theo nhịp đập của mạch, đau lan ra sau tai, ra vùng thái dương hoặc xuống răng làm cho bệnh nhân không ngủ được.

− Nghe kém là triệu chứng quan trọng, thường xuyên có: nghe kém khá nhiều, nghe kém theo kiểu dẫn truyền tức là nghiệm pháp Swabach kéo dài, nghiệm pháp Rinne âm tính, nghiệm pháp Weber thiên về bên bệnh (tam chứng Bezold). Bệnh nhân nghe giọng trầm khó khăn.

− Ngoài ra chúng ta còn thấy những triệu chứng phụ như ù tai, cảm giác đầy tai, tự thính, chóng mặt…

Biểu hiện của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Biểu hiện của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

* Triệu chứng toàn thân:

− Nhiệt độ lên cao và sẽ xuống khi mủ được dẫn lưu. Trẻ em nhỏ sốt cao có thể vật vã, co giật hoặc ở trạng thái lả.

* Triệu chứng thực thể: Toàn bộ màng nhĩ bị nề và đỏ, không nhìn thấy tam giác sáng, không thấy cán búa, không thấy mỏm ngấn. Màu sắc của màng nhĩ hòa lẫn với màu sắc của da ống tai.

− Ở mức độ nặng hơn màng nhĩ sẽ phồng lên như mặt kính đồng hồ đeo tay, điểm phồng nhiều nhất thường khu trú về phía sau. Riêng đối với những màng nhĩ bị xơ hóa, màng nhĩ của người già, màu sắc sẽ không đỏ mà lại trắng bệch, có nhiều mạch máu đỏ tỏa ra từ cán búa như nan hoa bánh xe.

− Xương chũm có vẻ bình thường, nhưng nếu ấn vào đấy bệnh nhân sẽ kêu đau. Hiện tượng này không có gì đáng ngại nó chỉ là viêm niêm mạc ở sào bào và ở các tế bào mà người ta quen gọi là phản ứng xương chũm.

 − Khám mũi và họng có thể cho chúng ta thấy nguyên nhân của bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm V.A, viêm amiđan.

Màng nhĩ vỡ

− Màng nhĩ có thể vỡ do bác sĩ bệnh học chuyên khoa tai – mũi – họng chích để tháo mủ, hoặc vỡ tự phát do sức ép của mủ vào khoảng ngày thứ tư. Để cho màng nhĩ tự vỡ không tốt bằng chích rạch vì hai lý do sau đây:

  • Lỗ vỡ xuất hiện muộn, mủ tích tụ trong nhiều ngày có thể gây ra bệnh tích xương.
  • Lỗ vỡ thường ở cao và nhỏ, dẫn lưu mủ không tốt, tạo điều kiện cho viêm kéo dài. Khi màng nhĩ đã vỡ và mủ chảy ra ngoài thì các triệu chứng sẽ thay đổi.

– Triệu chứng chức năng và toàn thân: các triệu chứng chức năng bớt hẳn, bệnh nhân không đau tai nữa, nhiệt độ trở lại bình thường, bệnh nhân ăn được ngủ được.

– Triệu chứng thực thể: Ống tai ngoài đầy mủ, không có mùi, lúc đầu chỉ là mủ loãng vàng nhạt sau biến thành mủ vàng đặc, phải lau sạch mủ mới thấy được màng nhĩ.

− Lỗ thủng của màng nhĩ sẽ khác nhau tùy theo tai có được chích rạch hay không. Nếu có chích rạch thì lỗ thủng sẽ rộng và ở về góc sau dưới của màng căng, màng nhĩ hết phồng. Khi bệnh nhân ngậm mồm bịt mũi và thổi mạnh vào vòi Eustache (nghiệm pháp Valsalva) thì mủ và bọt trào ra ở lỗ thủng, đồng thời chúng ta nghe có tiếng kêu trong tai của bệnh nhân.

Nếu không chích rạch, để cho màng nhĩ tự vỡ thì lỗ thủng có thể ở bất cứ chỗ nào, bờ dày, đỏ, nham nhở. Trong trường hợp lỗ thủng lớn, mủ được dẫn lưu tốt chúng ta thấy có những triệu chứng giống như là chích rạch.

Trái lại nếu lỗ thủng nhỏ, sự dẫn lưu bị hạn chế và triệu chứng ứ đọng tồn tại: đau nhức, sốt, phồng màng nhĩ; làm nghiệm pháp Valsalva không thấy mủ trào ra ở lỗ thủng. Có khi lỗ thủng nhỏ bằng đầu kim và thể hiện bằng một chấm mủ óng ánh đập theo nhịp mạch. Lỗ thủng có thể ở góc sau và trên màng nhĩ, trên một cái ụ phồng căng giống như cái vú bò. Riêng trong trường hợp viêm tai do cúm, do sởi, do bạch hầu, màng nhĩ có thể bị tiêu hủy toàn bộ.

Hỏi: Phác đồ điều trị viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em hiện nay là gì thưa chuyên gia?

Trả lời

Tùy theo màng nhĩ có thủng hay chưa, cách điều trị có khác nhau.

Trường hợp màng nhĩ chưa thủng

– Điều trị bằng thuốc tại chỗ: Dùng một số thuốc nhỏ tai có tác dụng giảm sung huyết tại chỗ: Polymycin…

– Chích rạch màng nhĩ: Chúng ta phải chích rạch màng nhĩ trong những trường hợp sau đây:

  • Triệu chứng toàn thân xấu: nhiệt độ cao, mất ngủ, bộ mặt nhiễm trùng.
  • Ở trẻ nhỏ bị viêm tai, khi có triệu chứng sốt, nôn, tiêu chảy.
  • Triệu chứng chức năng quá rõ rệt: đau tai, nhức nửa bên đầu và nghe kém.
  • Triệu chứng thực thể nói lên có mủ trong hòm nhĩ: màng nhĩ căng phồng như mặt kính đồng hồ đeo tay.
  • Có những phản ứng đáng ngại như triệu chứng màng não, triệu chứng mê nhĩ, triệu chứng viêm xương chũm.
  • Viêm tai giữa cấp tính đã kéo dài trên bốn ngày và không tự vỡ.

Đi khám ngay nếu nghi ngờ trẻ bị viêm tai giữa

Đi khám ngay nếu nghi ngờ trẻ bị viêm tai giữa

Trường hợp màng nhĩ đã thủng

Sau khi màng nhĩ đã thủng tự nhiên hoặc thủng do chích rạch cần phải làm thuốc tai hàng ngày. Thầy thuốc hút rửa tai và nhỏ tai các loại thuốc có kháng sinh, kháng viêm như Hydrocortisol và Chloramphenicol. Nhiệm vụ của thầy thuốc là phải theo dõi tình hình của lỗ thủng và các triệu chứng toàn thân. Nếu thấy lỗ thủng đóng lại nhưng bệnh nhân sốt và đau tai thì phải chích rạch lại để dẫn lưu. Nếu sau bốn tuần mà mủ vẫn tiếp tục chảy, phải nghĩ đến các nguyên nhân sau đây và tìm cách giải quyết: viêm mũi xoang, viêm vòm mũi họng (V.A), viêm xương chũm, thể trạng suy nhược.

Điều trị toàn thân

Dùng kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm Beta lactam, Cephalosporin, Macrolid… tốt nhất vẫn theo kháng sinh đồ. Trong khi dùng kháng sinh, nên chụp X quang xương chũm để phát hiện viêm xương chũm tiềm tàng.

Bên cạnh đó, các Dược sĩ  (tốt nghiệp Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur) tư vấn khuyên dùng thuốc kháng viêm Corticoid, kháng viêm dạng men hay thuốc hạ sốt, giảm đau hoặc theo sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền.

Hỏi: Chuyên gia có thể cho độc giả lời khuyên để phòng tránh viêm tai giữa ở trẻ em?

Trả lời:

− Tuyệt đối không xì mũi bằng cách bịt cả hai lỗ mũi cùng một lúc, phải bịt một bên và để hở bên kia cho mũi và dịch thoát ra ngoài.

− Không nên bơi lội khi bị viêm mũi, viêm xoang. Nên điều trị viêm mũi, viêm xoang càng sớm càng tốt.

− Nên nạo V.A. và cắt amiđan ở những em bé hay bị viêm tai tái phát. Ở những em bé bị sởi, bị cúm, bị thương hàn phải khám màng nhĩ thường xuyên.

Cám ơn những chia sẻ của chuyên gia!

Nguồn: benhhoc.edu.vn