Món ăn thuốc tăng cường trí nhớ cho sĩ tử mùa thi

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Để các sĩ tử có sức khỏe tốt trước khi bước vào kỳ thi quan trọng, các bậc phụ huynh có thể lựa chọn những món ăn bổ não, tăng cường trí nhớ,…

Món ăn thuốc tăng cường trí nhớ cho sĩ tử mùa thi

Món ăn thuốc tăng cường trí nhớ cho sĩ tử mùa thi

Theo gợi ý của Lương y Thảo Nguyên, trang Bệnh học – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổng hợp một số món ăn bài thuốc có tác dụng hiệu quả trong việc tăng cường sức khỏe, bổ não, cải thiện trí nhớ mà bạn có thể tham khảo như sau:

Ngân nhĩ nấu kỷ tử long nhãn

Thành phần: Ngân nhĩ 25g, đường phèn 100g, câu kỷ tử 20g, long nhãn 15g.

Thực hiện: Ngân nhĩ nấu với nước cho chín nhừ, cho kỷ tử long nhãn vào nấu tiếp (vừa đun nhỏ lửa vừa khuấy), thêm đường phèn khuấy cho tan.

Tác dụng: Có lợi đối với những người bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, sốt cao mất nước, mất ngủ, viêm khí phế quản…

Chè đậu nành trứng gà long nhãn

Thành phần: Long nhãn 20g, đậu nành 50g, trứng gà 2 quả.

Thực hiện: Đậu nành, long nhãn cùng nấu chín nhừ, sau đập trứng gà vào, khuấy đều, thêm chút đường trắng, tuần ăn 3 lần, liền trong 2-3 tuần.

Tác dụng: Phù hợp với người cơ thể suy nhược.

Ngó sen hầm

Thành phần: Ngó sen 150-200g hầm nhừ, ăn.

Tác dụng bổ ngũ tạng, thực hạ tiêu.

Sâm táo thang

Thành phần: Đại táo 20 trái, nhân sâm 5g (hoặc đảng sâm 15g).

Thực hiện: Sâm thái lát mỏng, cho vào nồi cùng với đại táo, cho thêm 500ml nước, sắc hãm khoảng 30-45 phút là được. Uống nước và ăn cả sâm táo.

Tác dụng: Có lợi đối với những người suy nhược cơ thể, huyết hư thiếu máu.

Chè mộc nhĩ vừng đen

Thành phần: Mộc nhĩ 60g, vừng đen 50g.

Thực hiện: Mộc nhĩ một nửa để sống, còn một nửa sao chín; vừng đen sao chín. Tất cả đem nấu, sau đó gạn qua lọc lấy nước uống.

Tác dụng: Tăng lực ích thọ.

Canh mực thịt heo

Thành phần: Mực 1-2 con, tôm nõn 200g, thịt heo nạc 50g, hạt sen 20g, củ mài 20g.

Thực hiện: Mực ngâm mềm làm sạch thái lát; hạt sen bỏ tâm; thêm gia vị và lượng nước thích hợp nấu canh.

Tác dụng: Canh mực thịt heo rất tốt cho người bị mệt mỏi suy nhược, ngủ hay mơ, mất ngủ.

Lươn hầm hoàng kỳ đương quy thích hợp cho người mệt mỏi suy kiệt do học tập quá sức

Lươn hầm hoàng kỳ đương quy thích hợp cho người mệt mỏi suy kiệt do học tập quá sức

Lươn hầm hoàng kỳ đương quy

Thành phần: Lươn 300-500g, hoàng kỳ 30g, đương quy 15g.

Thực hiện: Lươn làm sạch, khía dọc theo thân; hoàng kỳ và đương quy cho vào túi vải xô. Tất cả cho trong xoong, thêm gia vị, rượu, hành, gừng, tỏi, muối trộn ướp đều; thêm nước lượng thích hợp, đun to lửa cho sôi, vớt bỏ váng bọt, tiếp tục đun trong 1 giờ. Sau đó bạn bỏ bã thuốc, thêm chút bột ngọt, ăn với cơm.

Tác dụng: Theo các thầy thuốc y học cổ truyền, lươn hầm hoàng kỳ đương quy thích hợp cho người mệt mỏi suy kiệt do học tập và làm việc quá sức, khí  huyết hư (thiếu máu, gầy sút), suy nhược sau bệnh nặng dài ngày.

Ếch hầm đảng sâm bạch truật

Thành phần: Ếch 2 con, bạch truật 10g, đảng sâm 10g.

Thực hiện: Ếch đem làm sạch, bỏ ruột; thêm gia vị nấu súp.

Tác dụng: Rất tốt cho người mệt mỏi suy kiệt do học tập, làm việc quá sức hay người sau khi bị bệnh dài ngày.

Gan gà chần

Thành phần: Gan gà 2 bộ.

Thực hiện: Gan gà 2 bộ đem làm sạch thái lát, sau đó chần qua nước sôi. Khi thấy chuyển màu không còn máu là được, ăn với muối tiêu, ăn hàng ngày.

Tác dụng: Gan gà chần có tác dụng rất tốt đối với người bị suy dinh dưỡng, giảm thị lực, mắt nhìn mờ, quáng gà.

Chim cút xào

Thành phần: Chim cút 100g, dưa chuột 12g, măng tre 30g, mộc nhĩ 12g.

Thực hiện: Chim cút làm sạch bỏ ruột; dưa chuột, măng tre rửa sạch thái lát; mộc nhĩ ngâm mềm, rửa sạch, thái lát. Thả chim cút vào dầu, rán chín, cho thêm măng, nấm, dưa chuột, nước hàng, bột đậu vào xào chín, cho chút bột ngọt là được.

Tác dụng: Thanh lợi thấp nhiệt, bổ hư ích khí. Thích hợp với những người mắc chứng hư lao, chảy, kiết lỵ, suy nhược, tiêu, phong thấp, suy dinh dưỡng.

Bên cạnh đó bạn có thể tham khảo các món ăn khác từ chuyên gia dinh dưỡng. Tuy nhiên cần nhớ rằng, điều này không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc có chuyên môn. Vì vậy để con trẻ khỏe mạnh, bạn nên đưa trẻ khám để được tư vấn trực tiếp.

Nguồn: Lương y Thảo Nguyên – benhhoc.edu.vn