Tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng của bệnh suy tuyến cận giáp

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Suy tuyến cận giáp có thể dẫn đến giảm canxi máu và tăng phospho máu, gây ra nhiều biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến xương, hệ thần kinh và cơ. Suy cận giáp có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, phổ biến nhất ở độ tuổi dưới 16 và ở người lớn trên 40 tuổi.

Suy tuyến cận giáp là gì?

Theo Bác sĩ – Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn, suy tuyến cận giáp (hay gọi tắt là suy cận giáp) là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến cận giáp (PTH) do tổn thương tuyến cận giáp (thường do phẫu thuật hoặc do dị tật bẩm sinh tuyến cận giáp).

Chức năng chủ yếu của tuyến cận giáp là cân bằng nồng độ canxi trong máu, vì vậy tình trạng suy cận giáp gây hạ canxi máu biểu hiện các triệu chứng thần kinh cơ từ liệt nhẹ đến cơn tetany. 

Suy cận giáp dẫn đến nhiều bệnh lý khác như: thần kinh, cơ, da, xương…

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy cận giáp như thế nào?

  • Cảm giác tê cứng ở các đầu ngón tay, chân và cả môi, lưỡi;
  • Cơ yếu, đau các vùng cơ ở tay, chân, thậm chí các vùng khác trên cơ thể;
  • Đau bụng dữ dội khi tới chu kỳ kinh nguyệt;
  • Co thắt thanh quản gây khó thở, trường hợp nặng phải cấp cứu;
  • Khô da, móng tay giòn, dễ gãy, biến dạng;
  • Rụng nhiều tóc, lông mày thưa thớt;
  • Thần kinh luôn căng thẳng, mệt mỏi, đau đầu;
  • Xuất hiện tình trạng động kinh, trầm cảm ở một số bệnh nhân.

Nguyên nhân dẫn đến suy cận giáp là gì?

Theo trang tin tức Bệnh học cho biết những nguyên nhân gây nên suy tuyến cận giáp như:

Suy cận giáp mắc phải

Thường xuất hiện sau các cuộc phẫu thuật hay chấn thương tuyến cận giáp (đặc biệt là phẫu thuật cắt tuyến giáp hoặc điều trị u tuyến cận giáp). Trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng cao nên các cuộc phẫu thuật được thực hiện bởi những bác sĩ có trình độ và tay nghề cao, số trường hợp gặp tai biến ngày càng ít.

Suy cận giáp di truyền

Đứa trẻ sinh ra hoặc là không có tuyến cận giáp hoặc tuyến cận giáp có nhưng hoạt động rất kém. Suy cận giáp di truyền là bệnh di truyền theo gen lặn, nếu cả cha và mẹ đều mang gen này thì nguy cơ con mắc bệnh đến 25%. Các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện vào trước năm trẻ 10 tuổi, nhất là lúc trẻ 2 tuổi.

Hậu quả của bệnh tự miễn

Kháng thể sinh ra và quay lại tấn công loại bỏ tuyến cận giáp, dẫn đến suy cận giáp. Cũng có khi, bệnh nhân còn mắc thêm các bệnh tự miễn khác nữa, thường nhất là bệnh Addison.

Nguyên nhân khác

Việc điều trị ung thư ở vùng cổ dễ dẫn đến tổn thương và phá hủy tuyến cận giáp.

Điều trị hiệu quả bệnh suy cận giáp

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy cận giáp

Giảng viên Cao đẳng Kỹ thuật Xét nghiệm Y học cho biết, bệnh nhân mắc suy tuyến cận giáp khi đến bệnh viện sẽ được làm các xét nghiệm máu, nước tiểu để kiểm tra nồng độ canxi và photpho, nồng độ hormone parathyroid trong máu; chụp X-quang để kiểm tra nồng độ canxi trong xương; làm điện tâm đồ để kiểm tra nhịp tim.

Các bác sĩ sẽ kết hợp với việc điều tra tiền sử gia đình, tiền sử bệnh của bệnh nhân rồi từ đó mới đưa ra các chẩn đoán và giải pháp điều trị phù hợp.

Phương pháp điều trị suy cận giáp hiệu quả

Chủ yếu bệnh suy tuyến cận giáp được điều trị bằng thuốc, mục đích là để cân bằng nồng độ canxi và photpho trong máu luôn ở mức cân bằng. Quá trình điều trị diễn ra như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sức khỏe, mức độ bệnh, các dấu hiệu và  triệu chứng bệnh,… của từng bệnh nhân.

Cụ thể các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống calcium carbonate dạng viên để điều trị bệnh. Tuy nhiên thuốc cũng có tác dụng phụ như táo bón, sỏi thận nếu sử dụng liều cao.

Với trường hợp canxi trong máu quá thấp, triệu chứng bệnh nặng thì phải nhập viện và được các bác sĩ chuyên khoa tiêm canxi vào tĩnh mạch. Sau khi được về nhà, các bệnh nhân phải dùng canxi và vitamin D đường uống. Đây là một bệnh mãn tính nên việc điều trị có thể kéo dài suốt đời của bệnh nhân.