Cao Huyết Áp – Biểu Hiện, Biến Chứng Và Cách Phòng Ngừa

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (5 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Bệnh cao huyết áp còn gọi là tăng xông (tension) thường gặp ở người lớn tuổi, bệnh có nhiều triệu chứng khác nhau tùy nguyên nhân gây bệnh. Vậy bệnh có những biểu hiện thế nào? Và những biến chứng có thể gặp phải là gì? Mời các bạn cùng tham khảo câu trả lời từ các chuyên khoa bệnh học.

huyet-ap-cao

Những biến chứng ở tim có thể gặp ở bệnh nhân cao huyết áp

  • Phì đại thất trái

Là biến chứng thường gặp ở người bị cao huyết áp lâu ngày, người nhiều tuổi, béo phì và người có huyết áp tăng cao không kiểm soát, chiếm tỷ lệ từ 10 đến 20%.

Huyết áp tăng làm tăng áp lực lên thành tâm thất trái khiến tâm thất co bóp khó khăn, do đó các sợi cơ tâm thất phải tăng kích thước, tăng thời gian co bóp để duy trì lượng máu bơm ra ngoài. Tình trạng này tiếp diễn lâu ngày sẽ làm cơ tâm thất trái bị phì đại.

Phì đại thất trái làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và tử vong ở người bệnh cao huyết áp. Khi có biến chứng phì đại thất trái, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì hoặc có một số biểu hiện như tim đập nhanh, khó thở khi đi bộ nhanh, khi leo cầu thang, hụt hơi, mau mệt khi gắng sức, có thể khó thở khi nằm, phải kê cao gối.

  • Suy tim tâm trương

Khoảng 1/3 bệnh nhân có phì đại thất trái có suy tim tâm trương. Cao huyết áp lâu ngày làm cho thành tâm thất bị phì đại, bị xơ hóa, giảm khả năng đàn hồi nên không thể giãn ra trong thời kỳ tâm trương, làm hạn chế lượng máu về tim. Hậu quả là ứ đọng máu ở các tĩnh mạch phổi và tĩnh mạch hệ thống.

Bệnh nhân suy tim tâm trương sẽ có các biểu hiện như mệt, khó thở khi gắng sức, ho về đêm lúc nghỉ do ứ đọng ở phổi. Ngoài ra, người bệnh có thể phù chân, tĩnh mạch cổ nổi, tăng cân do ứ máu ở ngoại biên.

  • Suy tim tâm thu

Là tình trạng tim giảm khả năng co bóp tống máu trong thời kỳ tâm thu dẫn đến không cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho nhu cầu cơ thể. Suy tim tâm thu là biến chứng rất nặng, làm hạn chế sinh hoạt thường ngày của người bệnh, tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật.

Khi có biến chứng này, người bệnh sẽ có một số triệu chứng:

– Khó thở, mệt khi gắng sức. Lúc đầu khó thở khi gắng sức nhiều, càng về sau khó thở xảy ra khi gắng sức nhẹ và cuối cùng khó thở xảy ra cả lúc nghỉ.

– Ban đêm khi nằm ngủ bệnh nhân ho, khó thở. Trường hợp nặng, bệnh nhân phải ngồi để thở.

– Phù chân, tăng cân.

  • Thiếu máu cơ tim

Động mạch vành là hệ thống cung cấp máu cho cơ tim. Thiếu máu cơ tim xảy ra khi lượng máu cung cấp đến cơ tim bị giảm do động mạch vành bị tắc nghẽn. Bệnh nhân bị động mạch vành có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao và ngược lại, tăng huyết áp là nguy cơ của bệnh động mạch vành.

Người bị thiếu máu cơ tim sẽ có triệu chứng:

– Cảm giác đè nặng, đau tức ở vùng ngực trái, kéo dài 15-20 phút (có khi đau dữ dội, kéo dài là do nhồi máu cơ tim).

– Đau lan sang cánh tay trái, lan lên đến cằm.

– Xảy ra khi người bệnh gắng sức, bị stress tình cảm, giảm khi người bệnh nằm nghỉ.

  • Rung nhĩ

Bình thường tâm nhĩ co bóp đều đặn tống máu vào tâm thất trong thời kỳ tâm trương. Rung nhĩ là do các xung điện bất thường trong tâm nhĩ làm tâm nhĩ mất khả năng co bóp, chỉ “rung” với nhịp không đều, hỗn loạn, khiến tim đập không đều, đập nhanh. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim.

Ở các nước phương Tây, phần lớn các trường hợp rung nhĩ là do tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm suy tim tâm trương, gây ứ đọng máu và tăng áp lực trong tâm nhĩ, lâu ngày làm tâm nhĩ dãn và hình thành các xung điện bất thường trong tâm nhĩ gây rung nhĩ.

  • Phình, bóc tách động mạch chủ

do-huyet-ap

Bệnh cao huyết áp gây ra nhiều biến chứng về tim.

Động mạch chủ là động mạch chính dẫn máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Tăng huyết áp làm tăng áp lực trên thành động mạch, lâu ngày làm thành mạch xơ cứng, dày, lớp nội mạc (lớp trong cùng của động mạch) bị xơ vữa. Động mạch chủ có thể bị giãn, lớp nội mạc có thể bị nứt, vỡ gây nên phình hoặc bóc tách.

Bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:

– Đau dữ dội vùng ngực, bụng hoặc lưng tùy vị trí bị bóc tách.

– Buồn nôn và nôn,

– Co cứng cơ thành bụng,

– Toát mồ hôi lạnh,

Lưu ý, bệnh nhân bị giãn hoặc phình động mạch chủ có thể không có triệu chứng gì.

Phòng ngừa biến chứng tim mạch do tăng huyết áp

– Thay đổi lối sống tích cực, giảm cân ở người thừa cân, béo phì. Khi giảm được 10kg cân nặng sẽ giúp giảm huyết áp từ 5-20 mmHg.

– Tăng cường vận động. Tập thể dục 30-60 phút đều đặn mỗi ngày giúp giảm huyết áp 4-9 mmHg.

– Dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, giảm muối, giảm chất béo, ăn nhiều rau quả

– Hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể làm huyết áp tăng 10 mmHg kéo dài đến 1 giờ sau hút. Tránh môi trường có khói thuốc nhằm tránh hút thuốc thụ động.

– Tuân thủ chế độ điều trị, kiểm soát tốt huyết áp. Uống thuốc đều đặn, đúng và đủ liều lượng, tái khám theo đúng lịch hẹn bác sĩ.

– Khi thấy có các triệu chứng bất thường cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa bệnh tuần hoàn để khám và tư vấn.

Tư vấn về cách phòng ngừa cao huyết áp

ngan ngua cao huyet ap

Người bị cao huyết áp có thể chọn đi xe đạp chậm trong thời tiết mát mẻ.

Trước kia có quan niệm chỉ thời tiết lạnh mới ảnh hưởng đến tăng huyết áp. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng đến huyết áp. Nghiên cứu ở Italy cho thấy, thời tiết nóng làm giảm huyết áp ban ngày nhưng lại làm tăng huyết áp về đêm. Nhiệt độ cao làm ra mồ hôi nhiều dễ dẫn đến mất nước, gây cô đặc máu và dễ gây nên các biến chứng như tai biến mạch não, bệnh mạch vành…

Khi thời tiết nắng nóng, người bệnh tăng huyết áp không nên hoạt động nhiều ngoài trời, nhất là buổi giữa trưa để đề phòng giãn mạch quá mức dẫn đến tụt huyết áp. Nên lao động lúc sáng sớm hoặc khi chiều muộn lúc đã tắt nắng. Người có bệnh cao huyết áp nên uống nhiều nước và uống đều đặn, không nên đợi đến lúc khát mới uống để giảm được độ kết dính trong máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Thường phải đảm bảo 1,5-2 lít nước một ngày, uống rải đều trong ngày chứ không nên uống dồn vào một lúc.

Mặc dù mùa hè nóng nực, người bệnh cao huyết áp vẫn nên cố gắng vận động. Có thể chọn đi bộ, đi xe đạp chậm, lên xuống cầu thang trong nhà, các bài tập dưỡng sinh, thái cực quyền… Không nên tập nặng. Nên tập đều đặn hàng ngày khoảng 30 phút và tập theo khả năng. Không nên tập giữa lúc trời nắng to, nên tập lúc sáng sớm hoặc chiều tối khi không còn mặt trời. Chú ý uống đủ nước khi vận động.

Chế độ dinh dưỡng thích hợp cũng rất quan trọng. Nên hạn chế ăn muối, bột ngọt, các nước chấm mặn, tôm khô, trứng vịt muối… Tránh thức ăn chiên xào, hạn chế mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc. Nên ăn nhiều rau quả xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể, dùng dầu thực vật thay mỡ và các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sản phẩm từ sữa… Bỏ các thói quen xấu như thuốc lá, rượu… Tránh các chất kích thích như trà, cà phê.

Nguồn: Cao dang Y Duoc TPHCM