Bệnh sởi ở trẻ em có nguy hiểm?

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Cùng với bệnh tay chân miệng thì bệnh sởi chính là căn bệnh khiến nhiều cha mẹ thấp thỏm đứng ngồi không yên mỗi khi có dịch bởi tính chất nguy hiểm mà bệnh gây ra.

Triệu chứng của bệnh sởi trên cơ thể trẻ

Triệu chứng của bệnh sởi trên cơ thể trẻ

Để rõ hơn vấn đề: “Bệnh sởi ở trẻ em có nguy hiểm?”, cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hữu Định, đồng thời là giảng viên Trường Cao Đẳng Y Dược Pasteur sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Hỏi: Thưa Bác sĩ bệnh sởi là gì?

Trả lời:

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp thông qua các chất tiết của mũi, họng  khi bệnh nhân nói chuyện hoặc hắt hơi. Nếu phát hiện con có các triệu chứng bất thường như ho nhiều, sốt cao, biếng ăn, sau khi phát ban vẫn tiếp tục sốt, mẹ cần nghĩ ngay tới bệnh sởi để đưa bé đi bệnh viện kịp thời.

Hỏi: Thưa bác sĩ có những dấu hiệu và triệu chứng nào nhận biết trẻ mắc bệnh sởi?

Trả lời:

Sởi bắt đầu với những vết ban đỏ đi từ mặt và di chuyển khắp cơ thể. Ngoài ra, bé còn có thể bị sốt, chảy nước mắt, nước mũi đi kèm phát ban. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết theo diễn tiến của bệnh:

Thời kỳ ủ bệnh: Kéo dài 10-12 ngày, không có dấu hiệu rõ rệt nhưng trẻ có thể sốt nhẹ.

Thời kỳ khởi phát: Là giai đoạn bệnh dễ lây lan nhất, kéo dài từ 3 – 5 ngày. Trẻ có thể bị sốt cao tới 40 độ C kèm nhức đầu, mỏi cơ cùng cảm giác mệt mỏi kéo dài. Khi sốt cao, trẻ có thể bị co giật. Bên cạnh đó là các dấu hiệu như: ho khan, chảy nước mắt, nước mũi, mắt đỏ, hắt hơi, sổ mũi, có thể kèm tiêu chảy. Đặc biệt, bên trong gò má xuất hiện những chấm trắng nhỏ, đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi.

Thời kỳ phát ban: Các nốt ban màu hồng nhạt dính vào nhau xuất hiện từ sau tai rồi lan dần ra hai bên má, cổ, ngực, bụng và hai tay trong vòng 24 giờ. Trong 48 giờ tiếp theo, ban có thể lan xuống đùi và bàn chân.

Thời kỳ phục hồi: Các nốt ban dần biến mất theo thứ tự xuất hiện, để lại những mảng thâm trên da.

Bệnh sởi ở trẻ em có nguy hiểm?

Bệnh sởi ở trẻ em có nguy hiểm?

Hỏi: Thưa Bác sĩ bệnh sởi ở trẻ em có nguy hiểm không?

Trả lời:

Thông thường, sởi là bệnh thường gặp có thể điều trị đơn giản và có thể hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, một số trường hợp sởi có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, tiêu chảy hoặc viêm phổi. Sởi có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm não ở trẻ em, gây co giật, thậm chí tử vong. Nếu không được điều trị kịp thời, sởi có khả năng gây biến chứng cao và điều này thật sự nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ.

Hỏi: Thưa bác sĩ bệnh sởi lây qua đường nào?

Trả lời:

Khả năng lây nhiễm của bệnh sởi thuộc có tốc độ “tên lửa”. Hơn 90% các trường hợp nhiễm sởi là do lây truyền từ người này sang người khác.

Bệnh được truyền qua không khí, khi người bệnh hắt hơi hoặc ho, vi khuẩn gây bệnh sẽ được phát tán vào không khí. Ngoài ra, khi tiếp xúc với dịch cơ thế như nước mũi, nước bọt, khả năng lây nhiễm bệnh cũng khá cao, nhất là đối với những bé chưa được tiêm phòng.

Hỏi: Thưa bác sĩ bệnh sởi cần phân biệt với bệnh nào?

Trả lời:

Sởi rất dễ nhầm với bệnh sốt phát ban thông thường bởi những biểu hiện của chúng khá giống nhau. Tuy nhưng mức độ nguy hiểm của 2 bệnh cũng như cách điều trị lại khác nhau nên cần phân biệt chính xác để có hướng điều trị phù hợp.

– Sởi và sốt phát ban ở trẻ sơ sinh có những triệu chứng giống nhau ở thời kỳ khởi phát và ủ bệnh. Chỉ khi chuyển sang giai đoạn phát ban thì có sự khác nhau giữa ban thông thường và ban sởi.

– Nếu là phát ban thông thường thì chỉ là những ban đỏ, mịn, sáng, nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.

– Nếu là phát ban do sởi thì có những đặc trưng như: Bắt đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, xuống ngực, bụng và lan ra toàn thân. Đặc điểm dễ nhận biết của ban sởi là ban có dạng sẩn, gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da.

Hỏi: Thưa Bác sĩ cách điều trị bệnh sởi ở trẻ như thế nào?

Trả lời:

Hiện chưa có biện pháp điều trị dứt điểm bệnh sởi. Thông thường, hệ miễn dịch sẽ tự loại bỏ virus sởi trong vòng 7- 10 ngày. Điều trị sởi chủ yếu là đi điều trị triệu chứng.

Chăm sóc và phòng tránh bệnh sởi cho trẻ

Chăm sóc và phòng tránh bệnh sởi cho trẻ

Hỏi: Thưa Bác sĩ có những biện pháp nào phòng bệnh sởi?

Trả lời:

Các biện pháp phòng tránh bệnh sởi sau:

  • Tiêm vacxin là biện pháp phòng sởi an toàn nhất.
  • Tiêm vaccin phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng.
  • Khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
  • Đảm bảo tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi.
  • Vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày.
  • Lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Với những chia sẽ của bác sĩ Nguyễn Hữu Định tại chuyên trang Hỏi đáp bệnh học hi vọng đã mang đến các bậc cha mẹ cũng như mỗi người kiến thức bổ ích về cách nhận biết cũng như phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này!

Nguồn: benhhoc.edu.vn