Những lưu ý quan trọng từ bác sĩ về căn bệnh suy giáp

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Suy giáp là bệnh lý xuất hiện liên quan đến sự thiếu hụt hormone tuyến giáp gây nên những tổn thương thực thể ở mô và rối loạn chuyển hóa.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh suy giáp

Theo bác sĩ Cao đẳng Y Dược Sài Gòn bệnh suy giáp do các tình trạng suy giáp tiên phát gây tổn thương thực thể tại chính tuyến giáp, nguyên nhân này chiếm hơn 90% các bệnh nhân suy giáp: thường gặp nhất là viêm tuyến giáp Hashimoto, tuyến giáp trên bệnh nhân có thể lớn hoặc teo, có khi bệnh đi kèm với Addison và một số rối loạn nội tiết khác. Vấn đề cung cấp thiếu iod cũng là vấn đề đang gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam. Một số nguyên nhân suy giáp tiên phát khác như tình trạng bẩm sinh thiếu enzyme tổng hợp hormone tuyến giáp, ăn các thực phẩm có chứa chất kháng giáp trạng hay những bệnh nhân đang điều trị bệnh tâm thần bằng lithium. Suy giáp thứ phát do suy tuyến yên gây ra bởi u lành, phẫu thuật tuyến yên hoặc tuyến yên bị hoại tử, tuy nhiên suy giáp thứ phát là tình trạng suy giáp tạm thời. Ít gặp hơn có thể xảy ra tình trạng đề kháng hormone tuyến giáp ở ngoại biên.

Bệnh suy giáp có biểu hiện bệnh như thế nào?

Theo các bác sĩ Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn, bệnh lý thường gặp ở những bệnh nhân là nữ tuổi từ 50 trở lên nên triệu chứng dễ nhầm với triệu chứng mãn kinh. Cụ thể bệnh suy giáp có thể dễ dàng nhìn thấy bởi người bệnh có vẻ mặt vô cảm và mặt tròn như mặt trăng, nếp nhăn nhiều khiến bệnh nhân trông già trước tuổi, phù mi mắt, đặc biệt mi dưới, gò má tím nhẹ và xuất hiện các mạch máu dãn, tím môi, da mặt trở nên vàng bủng yếu ớt. Các khớp trở nên cứng và khó gấp, da lạnh và tím tái, gan bàn tay vàng, lưỡi to và giọng trở nên khan trầm. Bệnh nhân ngủ ngáy to do niêm mạc mũi và hầu họng sưng phù. Tình trạng da khô và bong vảy cũng xảy ra khá phổ biến trên bệnh nhân suy giáp, tóc khô và dễ gãy rụng, chân mày và lông mu rụng nhiều,…

Các triệu chứng giảm chuyển hóa rõ ràng hơn là dấu soi gương của tình trạng nhiễm độc giáp: bệnh nhân sợ lạnh, hạ thân nhiệt và uống ít nước, đi tiểu chậm sau uống. Mặc dù ăn kém nhưng bệnh nhân lại tăng cân, các dấu tâm thần kinh và rối loạn thần kinh thực vật cũng rất đặc trưng trên nhóm bệnh nhân này: vẻ mặt vô cảm thờ ơ, các hoạt động thể chất và trí óc suy giảm hẳn, nhu cầu tình dục giảm, bài tiết mồ hôi cũng giảm rõ rệt. Ngoài ra, nhịp tim trên người bệnh cũng giảm đi dưới 60 lần/phút, huyết áp thấp chủ yếu tâm thu. Người bệnh bắt đầu xuất hiện các cơn đau thắt ngực hoặc đau trước tim, khó thở khi gắng sức. Khám tim nghe tiếng tim mờ, không đều, Xquang thấy tim to, đập yếu, có những trường hợp bệnh nhân còn xảy ra tình trạng tràn dịch màng ngoài tim cấp rất nguy hiểm có thể gây chèn ép tim cấp.

Các bác sĩ bệnh học chuyên khoa cũng cho biết, bệnh suy giáp còn khiến hệ hô hấp có biểu hiện thở nông, tần số thở chậm và đáp ứng kém với sự tăng CO2 hoặc giảm O2 trong máu, nặng hơn có thể xảy ra suy hô hấp cấp.  Ngoài ra người bệnh còn có những biểu hiện rối loạn tiêu hóa như táo bón. Nguy hiểm nhất bệnh nhân có thể bị hôn mê do suy giáp, đây là biến chứng nặng nhất của bệnh nhân suy giáp, tuy nhiên thường chỉ gặp ở xứ lạnh và trên nền những bệnh nhân chưa có chế độ điều trị phù hợp hoặc chưa tuân thủ điều trị. Hôn mê suy giáp tiên lượng nặng và tỷ lệ tử vong là 50%.

Về nguyên tắc tất cả các trường hợp suy giáp đều được điều trị ngoại trừ các thể suy giáp chỉ có biểu hiện sinh học nhẹ. Điều trị nói chung đơn giản và đạt hiệu quả cao ở hầu hết các trường hợp người bệnh tham gia điều trị: chủ yếu dựa vào điều trị hormone giáp thay thế. Bệnh nhân suy giáp cần dùng thuốc đều đặn và vĩnh viễn, tuy nhiên cũng có những trường hợp suy giáp thoáng qua không cần thiết phải điều trị lâu dài.