Những điều cha mẹ cần biết về bệnh chàm ở trẻ em

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Chàm có tên khoa học là eczema hay còn được gọi là bệnh viêm da cơ địa. Đây là một trong những loại bệnh ngoài da vô cùng phổ biến ở Việt Nam. Cha mẹ của bé cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé!

Da nổi nhiều mụn nước là một trong những dấu hiệu điển hình nhất của bệnh chàm ở trẻ em

Bệnh chàm ở trẻ em là gì?

Bác sĩ Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tư vấn, bệnh chàm ở trẻ em (hay là bệnh eczema) là tên gọi dùng để chỉ một nhóm các triệu chứng bất thường gặp trên da bé như đỏ da, nổi mụn nước ngứa. Căn bệnh này được chia thành nhiều loại như chàm dị ứng, chàm cơ địa, chàm tiếp xúc, chàm tổ đỉa hay chàm da tiết bã. Đây là những loại phổ biến có ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất.

Nhận biết dấu hiệu của bệnh chàm ở trẻ em

Thực tế có không ít các trường hợp trẻ được đưa tới bệnh viện khám và điều trị khi bệnh tình đã khá nặng. Nguyên nhân là do cha mẹ chủ quan hoặc không có kiến thức về bệnh nên không phát hiện ra ngay khi có các dấu hiệu ban đầu.

Dấu hiệu chung của bệnh chàm ở trẻ

Đi từ nhẹ đến nặng, bệnh chàm ở trẻ em có những biểu hiện lâm sàng chung như:

  • Da nổi hồng ban ngứa:

Các nốt hồng ban thường có nhiều kích thước khác nhau nhưng thường khá lớn và nổi rõ trên da. Chúng tập trung chủ yếu trên mặt hoặc ở các vùng khác như tay chân bụng. Điểm đặc trưng của các nốt hồng ban này là rất ngứa.

Xuất hiện nhiều mụn nước:

Sau giai đoạn hồng ban, các nốt mụn nước có màu trắng trong hoặc màu vàng bắt đầu xuất hiện. Các mụn này không ăn sâu vào da, kích thước to nhỏ khác nhau. Chúng xuất hiện riêng rẻ hoặc tập trung thành một cụm dày đặc, đôi khi lại hợp thành một mụn nước lớn nằm trên nền da hồng ban.

Mụn nước tiết dịch và đóng vảy:

Một số mụn nước lớn có thể tự vỡ ra gây chảy dịch, nhưng đa số các trường hợp mụn vỡ là do bé cào gãi khi bị ngứa. Huyết thanh đọng lại trên da sẽ đóng vảy khô nơi nốt mụn bị bể. Khi bệnh chàm ở trẻ bước qua giai đoạn này nếu không được vệ sinh tốt da sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Tróc vảy:

Các lớp vảy trên da khi khô lại sẽ bắt đầu bong tróc sau đó vài ngày. Lớp vảy bong ra sẽ để lại một lớp da non nhẵn mới được cơ thể tái tạo để sửa chữa tổn thương.

Da dày sừng:

Lớp da mới được tái tạo còn rất non yếu nên dễ bị rạn nứt. Da đóng vảy và bong tróc, tổn thương liên tục dần trở nên dày sừng. Dùng tay sờ vào khu vực này có cảm giác rất thô và cứng.

Dấu hiệu bệnh chàm theo độ tuổi của trẻ

Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng chia sẻ, các triệu chứng và vị trí của bệnh chàm có một vài điểm khác biệt nhỏ giữa các lứa tuổi của trẻ. Cha mẹ có thể dựa vào những triệu chứng chung ở trên kết hợp với các biểu hiện bệnh theo lứa tuổi dưới đây để có thể khẳng định con em mình có mắc bệnh chàm hay không.

Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi:

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường bị bệnh chàm nhiều nhất ở da đầu, hai bên má, trán và cằm. Theo thời gian, tổn thương có thể lan dần đến các vùng da lành trên cơ thể. Ở giai đoạn này, các nốt hồng ban có khuynh hướng trông đỏ hơn. Trẻ không biết nói nên hay quấy khóc vì ngứa ngáy khó chịu.

Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi:

Thời điểm này các bé đang bắt đầu tập bò, tập đi nên các vùng da ở khuỷu tay và đầu gối thường xuyên bị ma sát, trầy xước mỗi khi các bé bò hay khi bị té ngã. Đây cũng chính là những nơi dễ bị bệnh chàm nhất. Nếu khu vực này bị nhiễm trùng, các nốt mụn nước có thể tạo mủ, khi vỡ sẽ đóng một lớp vảy màu vàng trên da, có nguy cơ bị bệnh chàm bội nhiễm ở trẻ rất cao.

Bệnh chàm ở bé từ 2-5 tuổi:

Các triệu chứng bệnh chàm ở trẻ trong độ tuổi này thường ảnh hưởng đến mặt nhiều nhất, đặc biệt là ở quanh miệng và mí mắt của bé. Tiếp đến là các vùng da có nhiều nếp nhăn như khuỷu tay, bàn tay, đầu gối hay khu vực cổ tay. Vùng da bị bệnh của bé trông khô, đóng vảy tiết và ngày càng dày lên.

Trẻ trên 5 tuổi:

Ở độ tuổi này, khu vực chịu ảnh hưởng của chàm nhiều nhất là bàn tay, đầu gối, khuỷu tay, trên đầu hay phía sau tai của trẻ. Tổn thương trên da là những màng màu đỏ, ngứa ngáy và có dấu hiệu bị viêm.

Nguyên nhân nào gây bệnh chàm ở trẻ em?

Bệnh chàm là bệnh nhi khoa hiện chưa được xác định rõ ràng nguyên nhân chính xác. Các nhà nghiên cứu cho biết: trẻ em bị bệnh chàm thường do sự kết hợp giữa gen di truyền và các tác nhân gây bệnh trong môi trường. Cụ thể trẻ có thể bị bệnh vì những lý do sau:

  • Gen di truyền
  • Trẻ dị ứng với đồ dùng thường ngày
  • Do cơ địa
  • Rối loạn chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể
  • Bệnh tật
  • Chế độ dinh dưỡng không cân bằng
  • Sức đề kháng yếu

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh chàm ở trẻ

Nguy cơ mắc bệnh chàm ở trẻ em sẽ tăng lên nếu có một trong các yếu tố sau:

  • Bé ít uống nước hoặc sở hữu làn da khô
  • Chơi với thú nhồi bôi hoặc các loại đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không đảm bảo
  • Bé bị nóng trong, táo bón, hay đổ mồ hôi
  • Tiết trời khô hanh, đặc biệt là vào mùa đông càng dễ bị bệnh
  • Các bé hay bị chảy dãi: Nước bọt có thể dính vào má, cằm hay cổ khiến cho làn da bé bị kích ứng
  • Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp hay nhiễm trùng ở các bộ phận khác trên cơ thể

Việc kiểm soát tốt các nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ gây bệnh kể trên sẽ giúp cho việc điều trị bệnh đạt được hiệu quả tốt và lâu dài.