Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng nguy hiểm, có thể gây nhồi máu cơ tim, tổn thương não, suy thận hoặc tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Nhận biết sớm và xử lý đúng cách giúp bảo vệ tính mạng và hạn chế tổn thương cơ quan.

Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng nguy hiểm
Tăng huyết áp cấp cứu là gì và vì sao cần xử trí nhanh chóng?
Tăng huyết áp cấp cứu được định nghĩa là tình trạng huyết áp tăng đột ngột, với huyết áp tâm thu ≥180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥120 mmHg, kèm theo biểu hiện tổn thương tại các cơ quan quan trọng như não, tim, thận hoặc mắt.
Không giống như các cơn tăng huyết áp thông thường, tình trạng này đòi hỏi sự can thiệp y tế khẩn cấp. Việc trì hoãn điều trị có thể khiến các cơ quan đích bị tổn thương không hồi phục. Càng chậm trễ, khả năng phục hồi càng thấp, tiên lượng bệnh càng xấu.
Bác sĩ giảng viên tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, xử trí kịp thời cơn tăng huyết áp cấp cứu không chỉ giúp giảm áp lực lên mạch máu mà còn hạn chế đáng kể nguy cơ tổn thương vĩnh viễn cho tim, não, thận và võng mạc. Người bệnh được cấp cứu sớm sẽ có cơ hội phục hồi tốt hơn, giảm tỷ lệ tái phát và cải thiện chất lượng sống về lâu dài.
Dấu hiệu nhận biết sớm cơn tăng huyết áp cấp cứu
Việc phát hiện sớm các triệu chứng của tăng huyết áp cấp cứu có vai trò sống còn trong việc xử trí hiệu quả. Dấu hiệu đặc trưng nhất là chỉ số huyết áp tăng cao đột ngột, vượt ngưỡng 180/120 mmHg. Tuy nhiên, điều quan trọng là các biểu hiện tổn thương cơ quan đích đi kèm. Cụ thể:
- Hệ thần kinh trung ương: Người bệnh có thể bị nhức đầu dữ dội, mất ý thức, co giật, yếu liệt nửa người hoặc dấu hiệu xuất huyết não.
- Tim mạch: Xuất hiện đau thắt ngực, khó thở, loạn nhịp tim, hoặc trong các trường hợp nặng là phình bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim.
- Thận: Suy giảm chức năng lọc máu cấp tính, tiểu ít hoặc không tiểu, phù toàn thân.
- Thị lực: Mờ mắt, đau mắt dữ dội, có thể dẫn đến mất thị lực do bệnh võng mạc ác tính.
Những triệu chứng trên là cảnh báo khẩn cấp, đòi hỏi phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Cách xử trí ban đầu trước khi đến bệnh viện
Xử trí ban đầu đúng cách có thể đóng vai trò then chốt trong việc cứu sống người bệnh. Khi nghi ngờ cơn tăng huyết áp cấp cứu, cần thực hiện các bước sau:
- Đo huyết áp ngay lập tức nếu người bệnh có biểu hiện như đau đầu dữ dội, đau ngực, mờ mắt, khó thở, hoặc co giật.
- Nếu huyết áp vượt ngưỡng nguy hiểm kèm triệu chứng tổn thương cơ quan, gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
- Trong lúc chờ xe cấp cứu, cho bệnh nhân nằm nghỉ ở tư thế đầu cao hơn tim, nới lỏng quần áo, giữ không gian yên tĩnh, tránh gây lo lắng.
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp tại nhà, vì việc hạ huyết áp quá nhanh có thể làm giảm tưới máu đến các cơ quan quan trọng và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Khi đến cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết như đo điện tâm đồ, X-quang ngực, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận… để đánh giá mức độ tổn thương và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Điều trị tăng huyết áp cấp cứu như thế nào?
Mục tiêu điều trị là giảm huyết áp một cách từ từ nhưng hiệu quả để hạn chế tổn thương tiếp diễn. Trong giờ đầu tiên, bác sĩ sẽ cố gắng hạ huyết áp tâm thu không quá 25% so với mức ban đầu. Sau đó, tiếp tục giảm huyết áp đến mức 160/100–110 mmHg trong vòng 2–6 giờ tiếp theo. Huyết áp sẽ được điều chỉnh dần về ngưỡng bình thường trong vòng 24–48 giờ.
Phương pháp điều trị bệnh thường gặp phổ biến nhất là sử dụng thuốc hạ áp truyền tĩnh mạch, giúp kiểm soát huyết áp nhanh và ổn định. Bác sĩ sẽ cân nhắc chọn loại thuốc phù hợp, có tác dụng nhanh, ít tác dụng phụ và có thể điều chỉnh liều linh hoạt.
Bên cạnh đó, cần xử trí đồng thời các yếu tố thúc đẩy như lo âu, mất ngủ, sử dụng chất kích thích, hoặc các bệnh lý nền khác. Quan trọng không kém, bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ gây cơn tăng huyết áp cấp cứu để có hướng điều trị lâu dài và dự phòng tái phát.

Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh năm 2025
Phòng ngừa tăng huyết áp cấp cứu bằng cách nào?
Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y lưu ý việc phòng ngừa luôn là chiến lược hiệu quả nhất để tránh rơi vào tình trạng cấp cứu. Người mắc bệnh cao huyết áp cần:
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị và tái khám định kỳ để được điều chỉnh thuốc khi cần thiết.
- Tự theo dõi huyết áp tại nhà mỗi ngày, ghi lại chỉ số để nhận biết sớm sự thay đổi bất thường.
- Duy trì lối sống lành mạnh: ăn nhạt, giảm chất béo bão hòa, không hút thuốc, hạn chế rượu bia.
- Tập luyện thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày để cải thiện chức năng tim mạch và điều hòa huyết áp.
- Kiểm soát căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc.
Sự chủ động trong phòng ngừa không chỉ giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả mà còn giảm thiểu tối đa nguy cơ xuất hiện cơn tăng huyết áp cấp cứu – một biến chứng nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu được quan tâm đúng mức.