Nguyên nhân và triệu chứng của hội chứng Cushing là gì?

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Hội chứng Cushing là một tình trạng do mức độ cortisol trong cơ thể tăng cao, có thể xuất phát từ sử dụng thuốc glucocorticoid kéo dài hoặc các vấn đề bệnh lý dẫn đến tăng tiết cortisol từ tuyến thượng thận. Vậy nguyên nhân và triệu chứng là gì?

Nguyên nhân và triệu chứng của hội chứng Cushing là gì?

Hội chứng Cushing là gì?

Dược sĩ Cao đẳng Dược TP.HCM cho hay:Hội chứng Cushing là một tình trạng phát sinh khi cortisol trong máu tăng cao và duy trì ở mức độ cao hoặc khi cơ thể tiếp xúc với các chất glucocorticoid có tác dụng tương tự cortisol trong thời gian dài.

Hội chứng Cushing có thể chia thành hai loại chính là hội chứng Cushing ngoại sinh, xuất hiện khi có sử dụng thuốc glucocorticoid kéo dài, còn được gọi là hội chứng Cushing do thuốc; và hội chứng Cushing nội sinh, một tình trạng bệnh lý dẫn đến việc tăng tiết cortisol từ tuyến thượng thận.

Cụ thể, tuyến thượng thận, một cặp tuyến nội tiết nhỏ nằm phía trên 2 quả thận, có trách nhiệm sản xuất và giải phóng cortisol. Cortisol, còn được biết đến là “hormone stress”, thường được sản xuất nhiều khi cơ thể phải đối mặt với tình trạng căng thẳng. Cortisol có những chức năng quan trọng như đáp ứng cơ thể với stress, kiểm soát chất béo, protein, và carbohydrate, ức chế phản ứng viêm, điều hòa huyết áp, điều hòa lượng đường trong máu, ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ/thức, và cân bằng muối trong cơ thể.

Sự không cân bằng trong sản xuất cortisol có thể gây hại cho sức khỏe, và nếu nồng độ cortisol tăng hoặc giảm quá mức, có thể dẫn đến hội chứng Cushing. Các tuyến thượng thận, yên và hạ đồi đều đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ cortisol để duy trì sự cân bằng trong cơ thể.

Nguyên nhân và triệu chứng hội chứng Cushing

Bệnh lý nội khoa với hội chứng Cushing có nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  1. Hội chứng Cushing ngoại sinh (do thuốc):
    • Do sử dụng các thuốc glucocorticoid kéo dài, thường được dùng trong điều trị các bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp, lupus, hen suyễn, và COPD.
    • Lạm dụng các thuốc giảm đau chứa glucocorticoid kéo dài trong các bệnh lý xương khớp.
    • Thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc có thể gây hội chứng Cushing khi sử dụng lạm dụng, ví dụ như Medrol, Prednisone, Dexamethasone, và các loại khác.
  2. Hội chứng Cushing nội sinh phụ thuộc ACTH bao gồm:
    • U tuyến yên tiết ACTH (Bệnh Cushing): Khối u tuyến yên tăng tiết ACTH, hormone kích thích tuyến thượng thận sản xuất cortisol. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng Cushing nội sinh, thường xuất hiện ở nữ, đa số ở độ tuổi từ 20-40.
    • U tiết ACTH lạc chỗ: Chiếm khoảng 10% các trường hợp, xuất phát từ các u có nguồn gốc từ lồng ngực hoặc các bộ phận khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như ung thư phổi tế bào nhỏ, carcinoid phế quản, u tuyến giáp dạng tủy, và nhiều loại u khác.
  3. Hội chứng Cushing nội sinh không phụ thuộc ACTH bao gồm:
    • U lành vỏ thượng thận: Adenoma thượng thận lành tính tăng tiết cortisol, thường diễn tiến chậm.
    • U ác vỏ thượng thận: Carcinoma thượng thận thường tiến triển nhanh, có thể lan toả và tạo ra các triệu chứng như rậm lông, mọc râu, phì đại âm vật, nam hóa và mất kinh ở nữ.

Triệu chứng của hội chứng Cushing

Dược sĩ tại các trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội cho biết: Hội chứng Cushing có nhiều triệu chứng đặc trưng, phụ thuộc vào mức độ dư thừa cortisol và thời gian tiến triển của bệnh. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:

  1. Béo phì: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, bắt đầu bằng việc tăng cân nhanh chóng, chủ yếu mập ở mặt, tạo hình ảnh mặt tròn như mặt trăng, ở vùng trên đòn làm hố thượng đòn đầy, và ở sau gáy tạo hình ảnh bướu mỡ sau gáy (buffalo hump).
  2. Teo cơ và yếu cơ: Cơ chân tay trở nên teo gầy, hoạt động mệt mỏi, và yếu cơ có thể nặng thêm do giảm kali máu.
  3. Teo da và mô dưới da: Da có vết rạn màu đỏ tím, thường xuất hiện ở vùng bụng dưới, đùi, và thân người, cùng với da mỏng, dễ bầm, chậm lành sẹo sau tổn thương, và dễ bị nấm ngoài da.
  4. Rậm lông, mọc râu, mụn trứng cá ở nữ.
  5. Rối loạn sinh dục: Thiểu kinh hoặc vô kinh ở nữ, gây vô sinh; suy sinh dục ở cả nam và nữ, làm giảm ham muốn tình dục và gây rối loạn cương dương.
  6. Tăng huyết áp: Thường gặp, có thể là tăng huyết áp tâm trương hoặc cả hai số, với huyết áp tâm trương thường > 100mmHg trong nhiều trường hợp.
  7. Rối loạn đường huyết (đái tháo đường): Thường xuất hiện ở những người có tiền sử gia đình hoặc ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao.
  8. Loãng xương: Gây đau lưng, đau nhức xương, và trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến xẹp đốt sống và gãy xương.
  9. Rối loạn tâm thần: Thay đổi cảm xúc, trạng thái kích thích hoặc trầm cảm, và rối loạn tâm thần, thường thấy giảm trí nhớ và tập trung.
  10. Các triệu chứng khác: Sạm da toàn thân trong trường hợp tăng ACTH máu lạc chỗ do u, sỏi thận do tăng thải canxi qua nước tiểu.
  11. Chậm phát triển ở trẻ em: Do nồng độ cortisol cao ức chế tác dụng hormone tăng trưởng, gây tăng cân và chậm phát triển chiều cao ở trẻ em.
  12. Uống nhiều nước, tiểu nhiều: Có thể do tăng đường huyết và cortisol ức chế bài tiết hormone chống bài niệu ADH, dẫn đến tăng thải nước qua thận.

Tổng hợp bởi  benhhoc.edu.vn