Ngày nay, bệnh thoái hóa cột sống không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà còn gặp nhiều ở giới văn phòng. Các chuyên gia bệnh học chuyên khoa sẽ cho bạn biết những dấu hiệu để nhận biết và cách khống chế các cơn đau ra sao.
- Thoái Hóa Cột Sống – Biểu Hiện Và Cách Phòng Ngừa
- Đau Cổ – Phiền Toái Chung Của Nhiều Người
- Điều Trị Bệnh Khớp Bằng Y Học Cổ Truyền
Thoái hóa cột sống ngày càng trẻ hóa.
Biểu hiệu thoái hóa cột sống thường thấy ở dân văn phòng
Chia sẻ trong buổi nói chuyện gần đây tại Nhà Văn hóa phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Tuyết Nhung làm việc tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM cho biết: Cũng như tóc bạc, da nhăn, loãng xương… thoái hóa cột sống là căn bệnh mà hầu hết mọi người đều mắc phải, vấn đề là thời gian. Thoái hóa cột sống thường xuất hiện trong lứa tuổi tứ 35 – 40, bệnh này hiện đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt đối với dân văn phòng.
Bệnh thoái hóa cột sống chủ yếu do ngoại cảnh và môi trường tác động. Chế độ ăn uống không hợp lý, không đầy đủ, thiếu chất; làm việc quá sức, làm việc nặng quá sớm, mang vác nặng từ nhỏ, khi mà khung xương còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa định hình, hoàn thiện; hay phương pháp tập luyện thể dục thể thao không hợp lý… chính là những nguyên nhân làm khiến bệnh có xu hướng phát triển sớm. Ngồi học, ngồi làm việc trong thời gian lâu cùng những động tác uốn, cong sai quy cách hay thậm chí việc thiếu ngủ cũng là các nguyên nhân gây thoái hóa cột sống.
Cột sống là toàn bộ khung đỡ của cơ thể. Theo năm tháng, cột sống bị yếu đi, lão hóa và sức nâng đỡ kém. Sự thoái hóa làm cho bao xơ của đĩa đệm bị giòn và nứt nẻ, tạo khe hở cho nhân nhày ở bên trong thoát ra ngoài, gây nên thoát vị đĩa đệm. Các dây chằng thoái hóa cũng bị giòn, giảm độ đàn hồi, phình to ra, chất vôi lắng đọng lại hoặc hóa xương trở nên sần sùi, chèn ép vào các rễ thần kinh trong ống sống hoặc trong lỗ liên hợp, chèn vào các đầu dây thần kinh có trong dây chằng gây triệu chứng đau.
Thoái hóa cột sống bao gồm thoái hóa cột sống thắt lưng và thoái hóa cổ. Nếu bị ở thắt lưng, người bệnh thường đau phần dưới của lưng âm ỉ, có thể đau đột ngột sau khi mang vác nặng, sau khi vận động nhiều, sau khi thay đổi tư thế hoặc thay đổi thời tiết. Đau liên tục hoặc từng đợt, hay tái phát, có khi đau phối hợp với đau thần kinh tọa. Cột sống thắt lưng có thể biến dạng, vẹo làm hạn chế vận động. Nếu được nằm nghỉ ngơi, người bệnh thường sẽ giảm đau.
Nếu thoái hóa vùng cổ, bệnh nhân sẽ thấy nhức đầu vùng thái dương, trán, hai hố mắt vào buổi sáng; có khi tê tay do đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép; kèm theo chóng mặt, ù tai, nhức đầu, hoa mắt; cột sống cổ biến dạng, vẹo, hạn chế vận động, co cứng cạnh cổ. Đau vùng cổ gây cấp hoặc mãn, hạn chế vận động, đau tăng khi mệt mỏi, căng thẳng, lao động nặng hay khi thay đổi thời tiết.
Nguyên tắc điều trị chung của bệnh bao gồm giảm đau như nghỉ ngơi, tập các bài tập nhẹ nhàng, dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc thuốc kháng viêm, giảm đau không steroide. Đặc biệt, áp dụng các phương pháp phòng ngừa bệnh và phòng ngừa biến chứng là quan trọng nhất.
Lưu ý để phòng ngừa bệnh thoái hóa cột sống:
Tập thể dục giữa giờ là cách ngăn ngừa thoái hóa cột sống hiệu quả.
– Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt, lao động gây đau như ngồi lâu, đứng lâu một tư thế. Khi đi máy bay hay đi ôtô đường dài, tư thế ngồi đúng nhất là ngả lưng ghế ra sau khoảng 15 độ (tức là lưng ghế và mặt ghế tạo thành một góc 105 độ) và ngồi dựa vào lưng ghế.
– Tránh mang vác nặng quá mức hoặc các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế. Tránh gây căng thẳng lên cột sống.
– Sử dụng kỹ thuật phù hợp khi phải nâng vật nặng hay tham gia vào các môn thể thao mạnh mẽ.
– Để giữ cho cột sống của bạn luôn luôn khỏe mạnh, nên thực hiện các bài tập tác động thấp như đi bộ hoặc bơi lội. Tập yoga nhẹ nhàng cũng có thể giúp cột sống mạnh mẽ và linh hoạt. Có thể tập các bài tập cho cổ và lưng nhẹ nhàng ngay tại nơi làm việc hoặc ở nhà. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chế độ tập luyện.
– Dinh dưỡng tốt cũng giúp sức mạnh hỗ trợ cột sống. Ăn các thức ăn có nhiều chất xơ và ít chất béo sẽ làm giảm khối lượng cơ thể để cột sống chỉ phải nâng đỡ một khối lượng ít hơn. Thực phẩm như cá, các loại hạt, rau lá xanh có hàm lượng cao omega và chất chống oxy hóa đều có ích cho sức khỏe của khớp và đĩa đệm.
– Không nên hút thuốc vì các độc tố và chất nicotine trong thuốc lá ngăn chặn đĩa đệm của bạn hấp thu vitamin và chất dinh dưỡng.
– Nên ngủ đủ giấc, ngả lưng một chút trong buổi trưa cũng rất quan trọng. Tốt nhất nên có gối mỏng để tránh đau cổ.
– Phát hiện sớm các dị dạng cột sống để có biện pháp chỉnh hình nội khoa hay ngoại khoa thích hợp.
– Điều trị tốt các bệnh dễ gây tổn thương đốt sống như viêm đĩa đệm đốt sống.
Theo bác sĩ Nhung, nếu có cách sống, sinh hoạt hợp lý, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thì sẽ không còn lo ngại về bệnh này.
Hướng dẫn khống chế cơn đau do thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống (THCS) là bệnh thường gặp, gặp cả ở nam và nữ giới. Bệnh xuất hiện ở người có độ tuổi từ 35 trở lên, nhưng đặc biệt hay gặp ở những người cao tuổi. Thoái hóa cột sống là tổn thương mạn tính dạng thoái hóa của các thân đốt sống và đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, cùng các dây chằng cột sống. Cột sống có 4 đoạn là cột sống cổ, cột sống ngực, cột sống thắt lưng và đoạn xương cùng cụt. Hai đoạn cột sống hay bị thoái hóa nhất là cột sống cổ và cột sống thắt lưng, là những vùng linh hoạt nhất của cột sống nhưng hay phải chịu tải trọng và phải hoạt động nhiều nhất.
Dấu hiệu của thoái hóa cột sống
Triệu chứng của thoái hóa cột sống rất đa dạng. Thường bệnh nhân hay có dấu hiệu đau cột sống cấp tính hay mạn tính, kèm theo hạn chế vận động cột sống. Bệnh nhân cúi xuống hoặc quay nghiêng sang bên khó khăn. Cột sống bị biến dạng như cong, vẹo. Cơ cạnh cột sống hay thậm chí cơ chân có thể bị teo đi. Ngoài ra tùy theo vùng cột sống cổ hay thắt lưng bị thoái hóa mà có những triệu chứng đặc trưng. Đối với thoái hóa cột sống thắt lưng, có ba thể lâm sàng tùy thuộc vào mức độ tổn thương của đĩa đệm.
Thể thứ nhất là đau lưng cấp tính: Thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 30 – 40. Đau thắt lưng xuất hiện sau một động tác mạnh, quá mức, đột ngột và trái tư thế. Bệnh nhân có tư thế chống đau như lom khom, vẹo cột sống. Đau thắt lưng có thể khỏi dần sau 1 – 2 tuần.
Đau thắt lưng mạn tinh là thể thường thấy của thoái hóa cột sống.
Thể thứ hai là đau thắt lưng mạn tính: thường xuất hiện ở lứa tuổi trên 40. Đau âm ỉ vùng thắt lưng, hay bị tái phát. Đau thắt lưng mạn tính do đĩa đệm thoái hóa nhiều, sức căng phồng đàn hồi kém, chiều cao giảm, do đó giảm khả năng chịu lực, đĩa đệm có phần lồi ra phía sau kích thích các nhánh thần kinh.
Thể thứ ba là đau thắt lưng, kết hợp với đau thần kinh tọa một bên hay hai bên: Biểu hiện bệnh là đau cột sống thắt lưng, lan xuống mông, mặt sau ngoài đùi, khoeo, cẳng chân, có thể lan xuống tận gót chân hay các ngón chân. Như vậy nếu bạn thấy những cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên, dáng đi không bình thường, vẹo lưng hoặc còng lưng, đi lom khom, kèm cảm giác khó chịu, bực bội thì có thể bạn đã bị thoái hoá cột sống. Nếu bị thoái hóa cột sống cổ thì đau chủ yếu ở vùng cổ gáy. Đau có thể lan lên phía sau đầu hay thậm chí đau phía hốc mắt. Bệnh nhân có thể thấy nuốt khó, thường được hay chẩn đoán nhầm là loạn cảm họng. Khi có dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh cánh tay thì bệnh nhân có thể thấy đau cột sống cổ lan xuống vai, tay. Cảm giác khó chịu khiến bệnh nhân mất ăn, mất ngủ, gầy sút và có tâm lý buồn chán, trầm cảm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc. Thoái hóa cột sống cổ thường tiến triển thành từng đợt, tuy nhiên nếu để lâu không được chú ý điều trị có thể để lại các biến chứng đáng tiếc như đau, yếu, tê bì, teo cơ tay, do tổn thương các rễ thần kinh cổ chi phối cánh tay. Một số bệnh nhân có thể bị liệt khi bị chèn ép tủy cổ.
Nguồn: Cao dang Y Duoc TPHCM