Tiểu buốt, tiểu khó khăn khiến người bệnh ám ảnh mỗi khi đi tiểu. Để khắc phục điều này, bạn có thể tham khảo 10 bài thuốc trị chứng tiểu buốt trong y học cổ truyền ở bài viết này.
- Tiểu sử thần y tái thế Trung Quốc Hoa Đà
- Mách bạn bài thuốc y học cổ truyền trị đau nhức xương khớp
- Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc mẫu đơn bì
Trị chứng tiểu buốt trong y học cổ truyền hiệu quả
Tiểu buốt, tiểu khó khăn thuộc phạm vi chứng lâm trong Đông y. Thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, nguyên nhân và cơ chế gây bệnh rất phức tạp, chủ yếu do bàng quang thấp nhiệt và thận hư, gặp phải các tác nhân làm suy giảm chính khí quá mức như tình dục không điều hòa, phòng lao quá độ, ăn uống thái quá, thiếu khoa học, giận dữ,… làm cho bàng quang không khí hóa được, bên trong vừa hư, vừa bị tích tụ sinh ra nội thấp kiêm hiệp nhiệt. Lâu ngày, thấp nhiệt kết lại ở hạ tiêu làm nước tiểu đỏ, tiểu sẫm, tiểu tiện khó khăn, đau buốt.
Bài thuốc Y học cổ truyền trị chứng tiểu buốt
Một số bài thuốc trị chứng tiểu buốt trong y học cổ truyền mà bạn có thể tham khảo sau đây:
Bài 1: Chữa viêm bàng quang dùng hoàng cầm 10g, long đởm thảo 10g, chi tử 10g, mộc thông 10g, trạch tả 10g, xa tiền tử 10g, sài hồ bắc 10g, đương quy 10g, cam thảo 4g, sinh địa 12g. Trường hợp thủy thũng đi tiểu khó dùng mã xỉ hiện (rau sam tươi) 50g, biển súc 30g, hoàng bá 10g, sắc uống.
Bài 2: Trường hợp đái ra dưỡng chấp dùng biển súc tươi 60g, sinh khương 8g, thêm 2 quả trứng gà, sắc uống mỗi ngày 1 thang liên tục 20 ngày. Hoặc dùng du long thái (dừa nước) 100-200g khô, thêm chút cam thảo sắc uống thay nước hàng ngày.
Bài 3: Nếu viêm bàng quang, nhiễm trùng đường niệu kèm theo bí tiểu do thấp nhiệt dùng diếp cá tươi 60g, (nếu khô 20g), kim tiền thảo 30g, hạt mã đề 15g, sắc uống, hoặc dùng cây trầu nước (hàm ếch) cả cây, sắc uống.
Bài 4: Nếu viêm đường tiết niệu tiểu buốt, tiểu dắt dùng hoạt thạch 30g, hải kim sa 30g, ngọn cành cam thảo 10g, tán thành bột mịn, ngày uống 6g với nước sắc 10g mạch môn.
Trường hợp tiểu tiện khó, dùng rễ cây ngái 30g, rễ cối xay 30g, rễ cỏ xước 20g, thổ phục linh 50g, bông mã đề 20g, sắc uống.
Bài 5: Trường hợp viêm tiết niệu tiểu ra máu, dùng rễ cây đại kế 15g hoặc có thể dùng cỏ nhọ nồi 30g, bạch mao căn 30g, bông mã đề 30g. Nếu kèm theo có sỏi đường tiết niệu dùng cỏ nhọ nồi 20g, mộc thông 16g, sinh địa 20g, lá tre 20g, cam thảo đất 16g, sắc uống ngày 1 thang
Vị thuốc cam thảo đất
Bài 6: Tiểu tiện khó khăn, nhỏ giọt, đái dắt, đái buốt do nhiệt gây ra. Dùng biển súc 16g độc vị uống hàng ngày hoặc biển súc 16g, bông mã đề 10g, hải kim sa (bòng bong) 10g, cam thảo 6g, sắc uống.
Bài 7: Nếu viêm niệu đạo, viêm bàng quang, tiểu buốt, tiểu nóng dùng biển súc 16g, hoạt thạch 8g, mã đề 10g, mộc thông 6g. Hoặc bạch mao căn 12g, chi tử 12g, cam thảo 4g, sắc uống.
Bài 8: Chữa các bệnh tiết niệu do nhiệt gây ra dùng biển súc 15g, cụm hoa mào gà 15g, thài lài 30g hoặc thấp nhiệt đi tiểu khó khăn, nhỏ giọt, nước tiểu đục, phải thông lâm hóa trọc dùng ích trí nhân 10g, tỳ giải 10g, thạch xương bồ 10g, ô dược 6g, cam thảo 6g, sắc uống.
Bài 9: Chữa tiểu buốt, tiểu đục dùng rễ cây nhót rừng mỗi thứ 20g, vỏ rễ cây duối, sao vàng, sắc uống ngày 1 thang. Nếu kèm theo tiểu dắt, nước tiểu vàng đỏ, có cặn, sỏi dùng râu ngô 30g, bạch mao căn 30g, cỏ nhọ nồi 20g, bông mã đề 30g, sắc uống.
Bài 10: Nếu tiểu ra máu, đau buốt, nhỏ giọt do thấp nhiệt dùng địa phu tử (cây chổi xuể) 10g, phục linh 10g, đông quỳ tử 10g, tri mẫu 10g, thông thảo 6g, cỏ lá tre 10g, cam thảo 6g, hoàng bá 6g, sắc uống.
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế cho lời khuyên của các bác sĩ, thầy thuốc. Điều quan trọng bạn nên khám sức khỏe định kỳ và thăm khám ngay nếu có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe.
Nguồn: DS. Phạm Đức Dương – benhhoc.edu.vn