Đạm trúc diệp là vị thuốc trong Y học cổ truyền, có thể dùng tươi hoặc phơi sấy khô; tác dụng tiêu viêm, lợi niệu, thanh nhiệt, trừ phiền,…
- Tiểu sử thần y tái thế Trung Quốc Hoa Đà
- Mách bạn bài thuốc y học cổ truyền trị đau nhức xương khớp
- Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc mẫu đơn bì
Đạm trúc diệp
Đặc điểm của Đạm trúc diệp
Tên gọi khác: cỏ lá tre, áp chích thảo, cỏ cú, hay thủy trúc
Tên khoa học là Lophatherum glacile Brongn, họ lúa Poaceae.
Bộ phận dùng làm thuốc: toàn cây, bỏ gốc và rễ; có thể dùng tươi hoặc phơi sấy khô.
Theo y học cổ truyền, đạm trúc diệp vị ngọt, tính hơi hàn, quy kinh tâm, bàng quang và tiểu trường. Tác dụng tiêu viêm, lợi niệu, thanh nhiệt, trừ phiền và giải độc.
Bài thuốc trị bệnh từ Đạm trúc diệp
Một số bài thuốc có đạm trúc diệp được dùng trong điều trị như sau:
Bài 1: Chữa sốt nóng, khát nước, ra nhiều mồ hôi dùng đạm trúc diệp 12g, thạch cao 12g hoặc cát căn 20g, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Bài 2: Chữa các chứng nhiệt, ra nhiều mồ hôi, sốt, làm cho khí, âm lưỡng thương, tâm phiền, người hư, miệng khô, môi ráo, nhược.
Dùng bài Trúc diệp thạch cao thang: đạm trúc diệp 12g, bán hạ 16g, thạch cao 24g, cam thảo 6g, mạch đông 16g, nhân sâm 12g, ngạnh mễ 32g, sắc uống.
Bài 3: Trị chứng tà nhiệt nhập vào phế vệ đau đầu, phong ôn sơ khởi, sốt sợ lạnh, mình nóng, không ra mồ hôi, đau họng, miệng khát dùng bài Thông sị cát cánh thang: đạm trúc diệp 12g, thông bạch 3 củ, cát cánh 12g, sơn chi 12g, đạm đậu sị 16g, bạc hà 8g, liên kiều 8g, cam thảo 6g. Sắc uống.
Bài 4: Trường hợp kinh tâm bị thực nhiệt dẫn đến phiền nhiệt, sốt cao, nước tiểu đỏ, niêm mạc miệng lở loét do vị hỏa bốc lên dùng bài thuốc: đạm trúc diệp 10g, hoàng liên 5g, hoàng cầm 10g, hoàng bá 10g, cam thảo 5g, chi tử 10g. Sắc uống.
Đạm trúc diệp dạng khô
Bài 5: Trị chứng thấp nhiệt uất ở phần khí, mê man, đàm trọc che lấp tâm bào, nói nhảm dùng bài thuốc Ý dĩ trúc diệp thang: “đạm trúc diệp tươi 12g, ý dĩ 24g, hoạt thạch 24g, liên kiều 8g, phục linh 12g, bạch đậu khấu nhân 8g, thông thảo 6g”, thầy thuốc Hữu Định, giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết.
Bài 6: Chữa viêm niệu đạo tiểu tiện ngắn đỏ, đái dắt, đái buốt, nước tiểu ít dùng: đạm trúc diệp 20g, sinh cam thảo 6g, thông thảo 10g, thiên hoa phấn 10g, hoàng bá 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3-4 lần.
Hoặc đạm trúc diệp 20g, sinh địa 10g, mộc thông 10g, kim ngân hoa 12g, sắc uống
Bài 7: Trường hợp thử tà tổn thương tân dịch và khí, chân tay rời rã, sốt có mồ hôi, nước tiểu vàng, mạch hư vô lực dùng Thanh thử ích khí thang: đạm trúc diệp tươi 12g, đảng sâm 8g, mạch môn đông 10g, thạch hộc 10g, hoàng liên 4g, tri mẫu 12g, ngạnh mễ 32g, tây qua 12g, tô ngạnh 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Bài 8: Trường hợp bị ngộ độc do ăn uống dùng đạm trúc diệp 10g, lá găng trắng 10g, lá đơn răng cưa 10g, lá thường sơn 10g, tất cả dùng tươi, giã nát, thêm ít nước chín, gạn, lọc rồi uống, ngày 3 lần.
Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ có thai.
Để đảm bảo sức khỏe cũng như tăng giá trị hiệu quả sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc có chuyên môn trước khi sử dụng. Những thông tin trên không thể thay thế hoàn toàn lời khuyên của chuyên gia.
Ngoài ra bạn có thể tham gia group Hội Nhà Thuốc – Quầy Thuốc Chữa Bệnh Việt Nam để cập nhật những thông tin về thuốc cũng như điều trị các bệnh lý bằng thuốc.
Nguồn: suckhoedoisong.vn – benhhoc.edu.vn