Chảy máu mũi là cấp cứu thường gặp trong chuyên khoa Tai Mũi Họng chảy máu mũi không phải là một bệnh, mà là triệu chứng của nhiều bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Người bệnh thường đến trong tình trạng khẩn cấp, do đó cần nhận định nhanh, xử trí cầm máu kịp thời.
- Lí giải nguyên nhân người huyết áp cao thường bị chảy máu mũi
- Chảy máu cam và những bài thuốc chữa trị hiệu quả
- Phòng ngừa và điều trị bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả
Chuyên gia chia sẻ nguyên nhân và cách xử trí chảy máu mũi
Chảy máu mũi hay gặp ở?
Theo trang Bệnh học thì chảy máu mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp hơn ở lứa tuổi trên 40, nam gặp nhiều hơn nữ. Chảy máu mũi thường gặp ở mùa khô do độ ẩm giảm, có ảnh hưởng đến sinh lý niêm mạc mũi.
Chảy máu mũi trước thường gặp hơn (95%) trong đó 90% ở điểm mạch Kiesselbach và hay gặp ở người trẻ tuổi.
Phân loại chảy máu mũi?
Đánh giá mức độ chảy máu:
- Chảy máu nhẹ: máu chảy ít, chảy nhỏ giọt, số lượng ít hơn 100ml, thường ở điểm mạch và tự cầm.
- Chảy máu vừa: máu chảy thành dòng ra ngoài cửa mũi hoặc chảy xuống họng, số lượng từ 100-200ml, toàn trạng ít ảnh hưởng.
- Chảy máu nặng: máu thành dòng, chảy nhiều kéo dài, tái diễn nhiều lần bệnh nhân có thể ở trong trạng thái kích thích, hốt hoảng, vã mồ hôi, môi mặt xanh nhợt, mạch nhanh, huyết áp hạ, số lượng máu mất nhiều hơn 200ml.
Đánh giá vị trí chảy máu:
- Chảy máu ở điểm mạch Kesselbach: chảy máu ít, có xu hướng tự cần, thường gặp viêm tiền đình mũi, ở trẻ em hay ngoáy mũi.
- Chảy máu mao mạch: toàn bộ niêm mạc mũi rỉ máu, gặp ở những bệnh nhân bị bệnh về máu như bệnh ưa chảy máu, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn…
- Chảy máu động mạch: chảy máu ở động mạch sàng trước, động mạch sàng sau, động mạch bướm khẩu cái… chảy máu nhiều không tự cầm, thường chảy ở sâu và cao.
Nguyên nhân chảy máu mũi?
Nguyên nhân tại chỗ:
- Do viêm nhiễm tại chỗ: viêm mũi xoang cấp, viêm loét ở mũi, dị vật…
- Do khối u:
+ U lành tính: polype mũi thể chảy máu, u mạch máu ở mũi, u xơ vòm mũi họng.
+ U ác tính: ung thư sàng hàm, ung thư vòm mũi họng, u ác tính ở mũi.
- Do chấn thương: chấn thương mũi đơn thuần như gãy xương chính mũi, gãy sụn vách ngăn hay chấn thương vùng mặt gây vỡ xoang hàm, võ xoang trán hoặc gãy xương hàm trên theo kiểu Lefort I, II, III… hoặc chấn thương sọ não.
- Sau phẫu thuật tai mũi họng-hàm mặt: các phẫu thuật ở hốc mũi và hàm mặt đều có thể gây chảy máu mũi.
Viêm mũi xoang cấp cũng là nguyên nhân gây chảy máu mũi
Nguyên nhân toàn thân:
- Bệnh nhiễm khuẩn nặng: cúm, thương hàn, sốt xuất huyết…
- Bệnh về máu: bạch cầu cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, suy tủy, rối loạn đông máu.
- Bệnh di truyền: bệnh Osler-Weber-Rendu, Von Willebrand.
- Bệnh tim mạch: cao huyết áp, xơ vữa động mạch.
- Suy chức năng gan, thận, xơ gan.
- Nội tiết: chảy máu trong thời kì kinh nguyệt, trong thời kì mang thai, u tế bào ưa crome, rối loạn nội tiết tang trưởng ở trẻ trai.
Vô căn: 70% bệnh nhân chảy máu mũi là vô căn.
Cách xử trí chảy máu mũi?
Nguyên tắc xử trí chảy máu mũi:
- Phải nhanh chóng cầm máu tại chỗ làm ngưng chảy máu.
- Phải đảm bảo lưu thông đường thở.
- Hồi sức kịp thời bù đắp khối lượng tuần hoàn và sẵn sàng truyền máu khi cần thiết.
- Giải quyết các nguyên nhân chảy máu mũi.
Điều trị tại chỗ: cầm máu tại chỗ cần thực hiện theo các bước sau:
- Đè ép cánh mũi vào vách mũi: dùng hai ngón tay bóp nhẹ cánh mũi ép vào vách ngăn. Áp dụng khi chảy máu ít.
- Dung dịch cầm máu: dùng bông tẩm dung dịch éphedrin 1-3% đè lên chỗ chảy.
- Đốt bằng Hạt trai Nitrat Bạc: hữu dụng khi đốt bề mặt vách mũi trước, chỉ đốt vị trí chảy mũi cho đến khi màu xám xuất hiện, tránh đốt cả 2 phía vách ngăn vì có thể gây thủng.
- Nhét mechè mũi trước.
- Nhét mechè mũi sau.
- Nội soi cầm máu.
- Nút mạch: nếu các biện pháp trên không hiệu quả.
- Thắt động mạch: nếu các cách cầm máu trên không làm máu ngừng chảy, ta có thể thắt các động mạch sau: động mạch cảnh ngoài, động mạch hàm trong, động mạch sàng trước, dộng mạch sàng sau.
Điều trị toàn thân:
- Để bệnh nhân nghỉ ngơi yên tĩnh, ngồi hoặc nằm đầu cao, há miệng để nhổ máu ra.
- Truyền dịch nếu có trụy mạch tụt huyết áp.
- Truyền máu nếu Hct hạ dưới 30%, truyền máu là một biện pháp tích cực, đặc biệt trong trường hợp chảy máu nặng, tốt nhất là truyền máu tươi hoặc hồng cầu khối đồng nhóm.
- Kháng sinh: để phòng xuất tiết ứ đọng sẽ gây viêm nhiễm ở mũi và các bộ phận kế cận.
- Thuốc đông máu: làm tang vững bền thành mạch, giảm thời gian chảy máu như Adrenoxyl… hoặc trực tiếp làm dông máu như vitamin K.
Điều trị nguyên nhân: Theo bác sĩ đa khoa Chu Hòa Sơn giảng viên Trường Trung cấp Y Khoa Pasteur Hà Nội sau khi đã cầm máu tại chỗ, cần tìm nguyên nhân để điều trị.