Trong y học cổ truyền, cốt khí củ là vị thuốc có tác dụng tuyệt vời trong giảm đau, tiêu sưng, hoạt huyết, thông kinh, việc làm lành các vết thương bỏng,…
- Tiểu sử thần y tái thế Trung Quốc Hoa Đà
- Mách bạn bài thuốc y học cổ truyền trị đau nhức xương khớp
- Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc mẫu đơn bì
Cốt khí củ: Vị thuốc Y học cổ truyền giảm đau, tiêu sưng
Đôi nét về vị thuốc cốt khí củ
Cốt khí củ có nguồn gốc Đông Á, tuy nhiên chúng đã mọc lan tới các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Tại Việt Nam, cốt khí củ có ở Sa Pa, mọc hoang ở đồi núi, ven đường; chúng thường được trồng lấy rễ củ làm thuốc.
Tên gọi khác: Cốt khí củ còn gọi điền thất, hổ trượng, hoạt huyết đan.
Cốt khí củ là vị thuốc có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu (tháng 8, 9). Khi đào về, người ta đem sạch đất cát, bỏ rễ con, thái mỏng, phơi hay sấy khô.
Trong các nghiên cứu, thử nghiệm trên chuột (chuột nhắt, chuột cống), các nhà khoa học thấy rằng, cao cốt khí có tác dụng giải nhiệt và giảm đau; không có tác dụng lên huyết áp nhưng có tác dụng ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương; bảo vệ màng dạ dày khỏi bị loét do stress và hơi ức chế tiết dịch vị dạ dày.
Đặc biệt, cốt khí củ có khả năng làm lành vết bỏng bằng cách tăng cường hệ miễn nhiễm và chức năng tim do có chất tăng cường chức năng tuần hoàn vi mạch huyết quản và tim trong shock do bỏng.
Theo các thầy thuốc YHCT tư vấn trang Bệnh học – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, cốt khí củ trong Đông y có vị ngọt đắng, tính mát; vào thận, tâm. Tác dụng lợi tiểu, hoạt huyết, thông kinh, khu phong trừ thấp, giảm đau, giải độc.
Trong dân gian, cốt khí củ được biết đến là vị thuốc có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, chữa đau lưng, tê thấp, đau mình, ngã sưng đau, ứ huyết, kinh nguyệt bế…
Vị thuốc cốt khí củ
Bài thuốc điều trị bệnh từ cốt khí củ
Điều trị phong thấp đau nhức xương: cốt khí củ 12g, cỏ xước 8g, đơn gối hạc 12g, hy thiêm 8g, binh lang 6g, uy linh tiên 6g. Các vị đem sao vàng hạ thổ. Sắc uống trong ngày. Uống 7-10 ngày.
Điều trị đau lưng: cốt khí củ 12g, rễ lá lốt 12g, dây đau xương 12g, cỏ xước 12g, cam thảo Nam 8g, nhân trần 8g, quế chi 6g, mã đề 8g. Sắc uống trong ngày.
Điều trị sưng vú: cốt khí củ 12g, bồ công anh rễ 10g, bạch truật 8g, cốt khí muồng 12g, rễ lá lốt 10g. Sắc uống trong ngày.
Chữa thương tích, ứ máu, đau bụng: cốt khí củ 20g, lá móng 16g. Tất cả đem sắc lấy nước, pha thêm ít rượu để uống trong ngày.
Có thể thấy, cốt khí củ là vị thuốc có rất nhiều tác dụng trong việc điều trị bệnh, cũng như tác dụng có lợi đối với sức khỏe. Tuy nhiên cần nhớ rằng, cốt khí củ rất dễ nhầm lẫn với cốt khí thân trắng, cốt khí dây cốt khí thân tím, cốt khí muồng (hay cốt khí hạt), theo đó bạn cần phân biệt chúng để phát huy hiệu quả của thuốc, cũng như tránh những mong muốn không đáng có.
Hi vọng với những thông tin trên đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích. Mặc dù vậy, điều này không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ/thầy thuốc, vì vậy bạn cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị nếu có nghi ngờ về sức khỏe.
Nguồn: Lương y Thảo Nguyên – benhhoc.edu.vn