Hướng dẫn trị đau lưng mỏi gối bằng tục đoạn

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Tục đoạn trong y học cổ truyền được đánh giá là vị thuốc có tác dụng hiệu quả trong điều trị đau mỏi xương khớp, bong gân mụn nhọt và an thai cho chị em.

Hướng dẫn trị đau lưng mỏi gối bằng tục đoạn Hướng dẫn trị đau lưng mỏi gối bằng tục đoạn

Tục đoạn là bộ rễ phơi hay sấy khô của cây xuyên tục đoạn (Dipsacus asper Wall.) hay trụ tục đoạn (Dipsacus japonicus Miq.), thuộc họ tục đoạn (Dipsacaceae).

Theo nghiên cứu, tục đoạn có triterpen glycosid (akebia saponin D), daucosterol, iridoid glycosid (loganin, swerosid và cantleyosid), õ-sitosterol, sucrose… Theo y học cổ truyền, tục đoạn vị đắng cay, tính hơi ôn; vào kinh can và thận; tác dụng nối liền gân cốt, bổ can ích thận, thông huyết mạch, giảm đau, cầm máu. Tục đoạn được dùng làm thuốc bổ, trị đau lưng, mỏi gối; sưng tấy do té ngã gãy xương, nam giới di tinh, động thai dọa sẩy, ít sữa sau khi đẻ. Ngày dùng 12-20g.

Lưu ý: Trường hợp làm thuốc cầm máu thì phải sao, làm thuốc trừ phong nên dùng sống.

Bài thuốc trị bệnh có dùng vị thuốc tục đoạn

Trang Bệnh học – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur dẫn nguồn từ báo Sức khỏe và Đời sống giới thiệu đến bạn đọc một số bài thuốc điều trị bệnh hiệu quả có dùng cây tục đoạn.

– Bài thuốc Tiếp cốt liệu thương:

  • Bài 1: tục đoạn, nhũ hương, cốt toái bổ, ngưu tất, một dược, đương quy, xuyên khung, tam thất, đỗ trọng, mỗi vị 5g. Sắc uống trong ngày. Tác dụng trị vết thương sưng tấy, gãy xương.
  • Bài 2: Tiếp cốt tán: nhũ hương sao 12g, thổ miết trùng 12g, đương quy 12g, huyết kiệt 12g, một dược sao 12g, tự nhiên đồng 12g, tục đoạn 12g, cốt toái bổ 12g. Sắc uống trong ngày.
  • Bài 3: hồng hoa 12g, mộc hương 8g. Các vị nghiền bột mịn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước đun sôi. Hoặc dùng ngoài: nhào với rượu hoặc giấm làm thành bột hồ nhão, đắp vào chỗ đau. Tác dụng chữa gãy xương không liền.

– Bài thuốc Hoạt lạc giảm đau: Trị can thận đều suy nhược; các khớp xương và chân tay đau buốt; sống lưng và thắt lưng.

  • Bài 1: tục đoạn 20g, phòng phong 20g, ngưu tất 20g, tỳ giải 20g, xuyên ô (chế) 20g. Tất cả tán bột, luyện mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, uống với nước. Trị đau nhức tứ chi do phong thấp.

Vị thuốc tục đoạn

Vị thuốc tục đoạn

  • Bài 2: Hoàn tục đoạn: tục đoạn 12g, phòng phong 12g, bạch truật 12g, ngưu tất 12g, ngũ gia bì 12g, ý dĩ nhân 12g, tỳ giải 12g, thục địa 20g, khương hoạt 8g. Các vị nghiền bột, làm viên hoàn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước muối loãng hoặc rượu ấm. Trị can thận suy nhược, sống lưng và thắt lưng đau buốt.
  • Bài 3: tục đoạn 10g, tang ký sinh 10g, hà thủ ô đỏ, câu kỷ tử 5g, ngưu tất 10g, đỗ trọng 10g, đương quy 5g. Sắc uống trong ngày. Có thể ngâm rượu uống. Công dụng bổ can thận, chữa đau mỏi gân cốt, đặc biệt ở người già.

– Bài thuốc Cố tinh chỉ băng:

  • Bài 1: Hoàn tục đoạn: tục đoạn 12g, hoàng kỳ 12g, xuyên khung 6g, xích thạch chi 12g, đương quy 12g, long cốt 12g, địa du 12g, thục địa 16g, ngải diệp 6g. Các vị nghiền bột, làm viên hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 8g, chiêu với nước đun sôi. Trị phụ nữ nguy cơ sảy thai, các chứng động thai, băng lậu đới hạ.
  • Bài 2: tục đoạn 60g, đỗ trọng 60g, táo nhục vừa đủ. Tục đoạn tẩm rượu sao, đỗ trọng tẩm nước gừng sao đứt tơ; tán bột. Tất cả trộn đều thành khối mềm dẻo, làm viên bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 30 viên, uống với nước cháo. Tác dụng trị động thai, dọa sảy thai khi có thai được 2-3 tháng.

– Bài thuốc chữa ít sữa sau khi đẻ: tục đoạn 15g, xuyên sơn giáp 6g, ma hoàng 6g, đương quy 5g, xuyên khung 5g, thiên hoa phấn 8g. Sắc uống. Trị phụ nữ sau đẻ sữa không xuống, sữa ít.

Lưu ý: Người có chứng thực nhiệt không được dùng.

Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy để đảm bảo an toàn và đúng bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt nhất.

Ngoài ra bạn có thể tham gia group Hội Nhà Thuốc – Quầy Thuốc Chữa Bệnh Việt Nam để cập nhật những thông tin về thuốc cũng như điều trị các bệnh lý bằng thuốc.

Nguồn: TS. Nguyễn Đức Quang – benhhoc.edu.vn