Tây dương sâm bổ khí dưỡng âm, trị tân dịch hao tổn

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Tây dương sâm vào kinh tâm, phế và thận; tác dụng bổ khí dưỡng âm, trị tân dịch hao tổn,… được sử dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh trong y học cổ truyền.

Tây dương sâm bổ khí dưỡng âm, trị tân dịch hao tổn Tây dương sâm bổ khí dưỡng âm, trị tân dịch hao tổn

Tây dương sâm dưới góc nhìn chuyên gia

Tây dương sâm (Tây sâm, sâm Hoa Kỳ) có tên khoa học: Radix Panax qinquefolii; là rễ phơi hay sấy khô của cây nhân sâm (Panax qinquefolium L.), thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae); mọc nhiều ở Canada, Mỹ, Pháp… và được di thực vào Quảng Ðông, Trung Quốc.

Xét về thành phần hoạt chất: Tây dương sâm chứa các tinh dầu và một số glucozid tương tự nhân sâm có công dụng chống trạng thái thiếu oxy, chống mệt mỏi, xúc tiến tác dụng miễn dịch kháng thể, đề kháng bệnh tật, hưng phấn và trấn tĩnh thần kinh.

Theo y học cổ truyền, Tây dương sâm có vị hơi ngọt, đắng, tính hàn. Vào kinh phế, tâm và thận. Vị thuốc có tác dụng bổ khí dưỡng âm, sinh tân chỉ khát, thanh hư nhiệt. Trị phế thận âm hư, tân dịch hao tổn, thất huyết, chứng khí hư, cửu khái, họng khô, miệng khô.

Ngày dùng 3-6g, tuy nhiên nên sắc hoặc hãm riêng trước khi kết hợp với nước thuốc khác, ngoài ra cũng có thể dùng trực tiếp.

Bài thuốc chữa bệnh có sử dụng Tây dương sâm

Bổ khí dưỡng âm: Tây dương sâm 8g, a giao 15g, mạch môn 30g, bối mẫu 10g, tri mẫu 12g. Sắc uống. Tác dụng dưỡng âm thanh phế hóa đờm. Trị đờm ít có máu, ho khó thở do phế thận âm hư.

Thanh nhiệt trừ phiền: Tác dụng trị sốt kéo dài do bệnh nội thương lâu ngày hoặc ngoại cảm.

Bài 1: Tây dương sâm 8g, ngũ vị 5g, mạch môn 30g, thạch hộc tươi 30g, sinh địa tươi 30g. Tất cả sắc uống. Tác dụng sinh tân, bổ khí dưỡng âm, thanh nhiệt. Trị người nóng sốt, mệt mỏi bứt rứt, phiền khát.

Bài 2: Tây dương sâm 5g, sinh sơn dược 20g, sinh hoàng kỳ 20g, thiên hoa phấn 15g. Sắc uống. Chữa chứng tiêu khát do khí âm lưỡng hư kiêm nội nhiệt.

Ích khí cứu thoát:

Bài 1: Tây dương sâm 10g, ngọc trúc 12g, mạch môn 30g, ngũ vị 3g. Sắc uống. Trị chứng khí hư âm thoát.

Bài 2: Tây dương sâm 10g, long cốt 24g, phụ tử 6g, mạch môn 24g, mẫu lệ nung 40g. Sắc uống. Trị choáng do âm dương lưỡng hư.

Bài 3: Tây dương sâm 10g, mẫu lệ nung 40g, phụ tử 8g. Sắc uống. Chữa chứng khí hư dương thoát.

Tây dương sâm trà

Tây dương sâm trà

Món ăn thuốc trị bệnh có Tây dương sâm

Yến sào Tây dương sâm: Tây dương sâm 3g, yến sào 3g, hầm cách thủy. Phù hợp với người bị suy kiệt, đạo hãn, phế hư cửu khái, di tinh.

Tây dương sâm: Tây dương sâm 1-6g, thái lát mỏng, ngậm trong ngày. Thích hợp cho người bị viêm loét miệng lặp đi lặp lại.

Gà đen Tây dương sâm hầm cách thủy: Gà đen 1 con làm sạch bỏ ruột, Tây dương sâm 12g đặt trong bụng gà, nước lượng thích hợp. Hầm cách thủy hoặc bung nhừ, thêm gia vị ăn. Dùng tốt cho người già yếu suy nhược và thời kỳ bình phục sau các bệnh truyền nhiễm có sốt dài ngày, cơ thể suy kiệt.

Tây dương sâm hầm long nhãn: Tây dương sâm 1-6g, long nhãn 4-24g, chưng hầm với lượng nước thích hợp, ăn rải rác trong ngày. Dùng tốt cho người bị táo bón, trĩ xuất huyết đau rát hậu môn, thể trạng suy nhược.

Tây dương sâm duyên đậu thanh thử: Tây dương sâm 5g, vỏ dưa hấu 30g, đậu xanh 15g. Sắc hoặc hãm. Bài thuốc theo thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur có hiệu quả cao đối với người vã mồ hôi, bị say nắng, say nóng sốt cao, khát nước, kích động, mệt mỏi, vật vã, mê sảng, tiểu ít,.

Tây dương sâm trà: Tây dương sâm 1-2g, thái lát mỏng, hãm uống thay chè. Thích hợp cho người phế hư cửu khái, âm hư phát nhiệt, đau nhức răng miệng, miệng khô họng khát.

Mặc dù Tây dương sâm có rất nhiều tác dụng nhưng những người bị hàn thấp ở tràng vị, chứng dương hư, hỏa uất khí trệ không nên dùng và không dùng chung Tây dương sâm với lê lô.

Bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc y học cổ truyền trước khi dùng nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa.

Nguồn: BS. Phương Thảo – benhhoc.edu.vn