Thuốc hay từ thảo dược Thích lê tử

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Thích lê tử thường gặp trên nương rẫy, các đồi cây bụi thấp ở miền núi. Vị thuốc có tác dụng trong việc bổ thận, ích tinh, tráng dương,…và dùng trong nhiều bài thuốc trị bệnh.

Thảo dược Thích lê tử

Thảo dược Thích lê tử

Thích lê tử có tên khác là kim anh tử, đường quán tử. Y học hiện đại thường dùng thích lê tử để tăng cường sức đề kháng của cơ thể, cầm máu, trị lo âu, trằn trọc, thần kinh bất định, khó ngủ.

Với y học cổ truyền, thích lê tử thường được dùng làm thuốc bổ thận, thu liễm, chỉ tả, ích tinh, tráng dương.

Để làm thuốc, người ta hái quả về chà xát sao cho rụng hết gai rồi bổ đôi, nạo sạch hạt và lớp lông tơ bên trong quả, phơi hoặc sấy khô (không để sót hạt). Thích lê tử sau khi được phơi, sấy khi có vị chua chát, hơi ngọt, tính bình. Liều dùng hàng ngày là 6-12g.

Bài thuốc có Thích lê tử

Bạn có thể dùng thích lê tử dưới dạng thuốc bột hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

– Bài thuốc trị tiểu đường, di tinh: Thích lê tử, sa sâm, thạch hộc, khiếm thực, mạch môn, liên nhục, mỗi vị 12g; quy bản 8g, sắc uống ngày một thang.

– Bài thuốc trị thận hư, di tinh, liệt dương: Thích lê tử 15g, sơn thù du 12g, ba kích 12g, thục địa 12g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

– Bài thuốc trị suy nhược thần kinh, hoạt tinh, di mộng tinh, viêm ruột: Thích lê tử 500g, tua sen 50g, ba kích 250g. Thích lê tử và ba kích thái mỏng, sao vàng, tán nhỏ cho vào một túi vải cùng với tua sen, sắc kỹ với 3 lít nước lấy 1 lít, lọc kỹ, để riêng, tiếp tục sắc với 2 lít nước nữa cho đến khi còn 0,5 lít, lọc lấy nước, bỏ bã. Trộn 2 nước, thêm đường, khuấy tan, cô đặc còn 1 lít là được. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml.

– Bài thuốc trị tỳ hư, đại tiện lỏng: Thích lê tử 10g, bạch truật 10g, hạt sen 15g, phục linh 10g, đẳng sâm 10g. Sắc uống trong ngày.

Thuốc hay từ thảo dược Thích lê tử

Thuốc hay từ thảo dược Thích lê tử

– Bài thuốc trị tiểu són, tiểu dắt: Thích lê tử 10g, tua sen 10g, tang phiêu tiêu 10g, sơn dược 12g. Sắc uống.

– Bài thuốc trị ra mồ hôi trộm, ù tai, chân tay tê mỏi: Cao quả thích lê tử 184g, khiếm thực, hoàng bá, mỗi thứ 180g; sơn dược, sa sâm nam, mỗi thứ 120g; tỏa dương, hạt sen, táo nhân, tri mẫu, long cốt, mạch môn, liên tu, mẫu lệ, mỗi thứ 75g. Tất cả tán bột, rây mịn, trộn đều, hoàn viên. Ngày uống 6g.

Theo thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, rễ và lá thích lê tử cũng được dùng làm thuốc. Rễ đem rửa sạch, bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, thái nhỏ, sao vàng, ngâm rượu cho đặc để càng lâu càng tốt, trị chứng đau nhức chân tay, phong tê bại (Nam dược thần hiệu).

Bài thuốc dùng ngoài: Lá cây thích lê tử đem giã nát đắp vào nơi tổn thương sưng tấy, lở loét, bỏng.

Chú ý: Trong tự nhiên có loại cây tên thích lê tử hoa đỏ, tuy nhiên loại cây này không được dùng làm thuốc và không phải là vị thuốc thích lê tử bạn đang tìm. Vì vậy hãy tránh nhầm lẫn giữa hai loại cây này.

Đồng thời, thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy để đảm bảo an toàn và đúng bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt nhất.

Ngoài ra bạn có thể tham gia group Hội Nhà Thuốc – Quầy Thuốc Chữa Bệnh Việt Nam để cập nhật những thông tin về thuốc cũng như điều trị các bệnh lý bằng thuốc.

Nguồn: Sức khỏe và Đời sống – benhhoc.edu.vn