Sốt xuất huyết dengue (SXHD) là bệnh nhiễm virus cấp tính do virus dengue gây ra. Ở thể nặng nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
- Bệnh lậu và những điều khó nói bằng lời
- Những nguy hiểm khôn lường từ bệnh uốn ván
- Hiểm họa khôn lường từ thói quen cắn móng tay
Tổng hợp nguồn tin cần biết về bệnh sốt xuất huyết Dengue
Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue
Virus dengue thuộc họ Flaviviridae, được xếp vào nhóm Arbovirus là nhóm virus gây bệnh cho người và động vật lan truyền do côn trùng tiết túc. Giảng viên Cao đẳng Y Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết có 4 típ virus dengue gây bệnh cho người: D1, D2, D3, D4. Ở mỗi nước và khu vực có thể gặp cả 4 typ, ở nước ta cũng gặp cả 4 typ nhưng chủ yếu là typ D1 và D2. Cả 4 típ này đều gây ra miễn dịch đặc hiệu đối với típ virus đã nhiễm; giữa bốn típ huyết thanh của virus dengue có phản ứng chéo nhưng không có khả năng bảo vệ chéo lâu dài.
Nguồn truyền nhiễm bệnh sốt xuất huyết Dengue
Có thể cho rằng nguồn truyền nhiễm duy nhất là người. Người bệnh là nguồn truyền nhiễm, đặc biệt là người bệnh thể nhẹ, ít được quản lý nên là nguồn bệnh quan trọng.
Các nhà nghiên cứu ở Malaixia đã chứng minh được loài khỉ hoang dại là nguồn chứa mầm bệnh trong tự nhiên, nhưng chưa có bằng chứng từ khỉ truyền cho người.
Đường truyền nhiễm bệnh sốt xuất huyết Dengue
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm, lây truyền cho người qua vector trung gian là muỗi Aedes aegypti. Muỗi này rất thích đốt người, hút máu ban ngày, cao điểm vào sáng sớm và chiều tối.
Sau khi hút máu người bệnh có chứa virus dengue, thời gian cần thiết để cho virus phát triển trong muỗi là từ 8 -10 ngày, sau đó muỗi có khả năng truyền virus dengue cho người khác khi hút máu. Muỗi cái Aedes còn có thể truyền ngay virus dengue từ người bệnh sang người lành do thay đổi vật chủ khi bữa ăn máu bị gián đoạn. Cách truyền bệnh này được gọi là truyền cơ học.
Đường truyền nhiễm bệnh sốt xuất huyết Dengue
Muỗi sống trong nhà, thường đậu ở những nơi ít ánh sáng, có hơi ẩm (như quần áo đang mặc màu sẫm treo trên mắc áo).
Muỗi sinh sản ở những nơi nước trong như các chum vại, bể chứa nước, những vũng nước đọng trong, các vỏ đồ hộp, chai lọ, lốp xe hỏng, các lọ hoa… Chúng đẻ trứng ở đó dù lượng nước rất ít, bọ gậy muỗi Aedes aegypti phát triển tốt ở nước có pH acid nhẹ, nên muỗi thích đẻ vào nước mưa, nước máy. Có thể tìm thấy muỗi trưởng thành vào khoảng 50m ở xung quanh ổ và khoảng cách xa nhất có thể thấy là 200m. Bệnh còn được lây truyền bởi muỗi Aedes albopictus nhưng Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chính.
Khối cảm thụ bệnh sốt xuất huyết Dengue
Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, phần lớn các trường hợp mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi.
Không khác nhau về giới tính.
Triệu chứng Sốt dengue cổ điển
Sốt, nhức đầu nhiều, đau sau hố mắt, đau cơ-khớp, sưng hạch, nổi ban, xuất huyết ngoài da hiếm gặp. Bạch cầu giảm, có khi tiểu cầu giảm, hematocrite bình thường.
Sốt xuất huyết dengue không sốc
Thời kỳ ủ bệnh: thông thường 5-7 ngày.
Thời kỳ khởi phát: Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao.
Thời kỳ toàn phát:
– Sốt cao liên tục, mặt xung huyết, chán ăn, nôn mữa, nhức đầu nhiều, đau cơ khớp. Một số bệnh nhân đau họng, khó chịu ở thượng vị, tức ở hạ sườn phải và đau khắp bụng là thường gặp. Sốt cao và kéo dài 2-7 ngày, co giật do sốt cao có thể xảy ra.
– Biểu hiện xuất huyết: thường xảy ra vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của bệnh dưới nhiều hình thái: thường gặp là dấu hiệu dây thắt dương tính; xuất huyết ở da có thể gặp các dạng chấm, đốm xuất huyết, vết bầm tím; xuất huyết ở niêm mạc: chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài, xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu, ỉa ra máu hoặc phân đen.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Dengue
– Gan to có thể phát hiện được sớm trong giai đoạn sốt. Kích thước của gan không liên quan đến độ nặng của bệnh nhưng gan to thường gặp trong ca có sốc.
Diễn biến tự nhiên của bệnh học chuyên khoa sốt xuất huyết dengue không sốc thường nhẹ. Sau vài ngày sốt giảm, các dấu hiệu bệnh lý mất dần, sau đó trẻ ăn ngon và phục hồi dần.
Sốt xuất huyết dengue có sốc
Sau thời gian sốt vài ngày tình trạng bệnh nhân trở nặng nhanh chóng. Vào ngày thứ 3-7 sốt giảm và bệnh nhân có thể rơi vào sốc với da lạnh, tím tái quanh môi mạch nhanh nhẹ, bệnh nhân đờ đẫn, mệt nhọc hoặc bứt rứt, đau bụng…
Sốc được xác định bởi: mạch nhanh yếu, huyết áp kẹp kèm theo da lạnh, tím tái đầu chi, người bứt rứt, vật vã. Thời gian sốc thường ngắn 12 – 24 giờ, trẻ có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời và đúng đắn. Có thể phục hồi nhanh chóng nếu điều trị chống sốc tích cực và hiệu quả.
Phân độ lâm sàng bệnh sốt xuất huyết Dengue
Theo Tổ chức Y tế thế giới, SXHD chia thành 4 mức độ:
- Độ I: Sốt + dấu hiệu dây thắt (+), không có xuất huyết tự nhiên
- Độ II: Sốt + xuất huyết tự nhiên ở da hoặc nơi khác.
- Độ III: Có dấu hiệu suy tuần hoàn: mạch nhanh, yếu, huyết áp tụt hoặc kẹt, da lạnh ẩm, vật vã hoặc li bì.
- Độ IV: Sốc nặng, mạch và huyết áp không đo được.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là căn bệnh nguy hiểm có thể lây lan thành dịch. Do đó bạn cần áp dụng các biện pháp phòng tránh cũng như nhanh chóng tiếp nhận điều trị nếu phát hiện các dấu hiệu của bệnh.
Nguồn: benhhoc.edu.vn