Đại tràng thấp nhiệt là chứng bệnh thường gặp trong cuộc sống hiện nay. Nguyên nhân gây bệnh thường do tỳ vị bị tổn thương từ việc ăn uống không khoa học.
- Tiểu sử thần y tái thế Trung Quốc Hoa Đà
- Mách bạn bài thuốc y học cổ truyền trị đau nhức xương khớp
- Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc mẫu đơn bì
Y học cổ truyền hướng dẫn điều trị chứng đại tràng thấp nhiệt
Chứng đại tràng thấp nhiệt thường gặp trong các bệnh như: tiết tả, lỵ tật, trĩ nội, phúc thống, thấp ôn, tràng ung,… Người bị bệnh thường cảm thấy nuốt chua, ợ hăng, hay buồn nôn, trướng, bụng đầy, tay chân nặng nề, ăn kém, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác, đại tiện tiết tả.
Nguyên nhân thường do ăn uống không điều độ, không khoa học, ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng, uống nhiều bia rượu, chất kích thích… làm tổn thương tỳ vị.
Tùy từng chứng trạng mà các thầy thuốc y học cổ truyền dùng bài thuốc phù hợp.
Bài thuốc trị chứng đại tràng thấp nhiệt do thấp nhiệt dồn xuống sinh ra bệnh tiết tả
– Triệu chứng: Khi đại tiện giang môn có cảm giác nóng rát, phân có màu màu vàng hoặc đục như nước gạo, hôi khắm.
– Điều trị: Thanh hóa thấp nhiệt, thăng phát thanh khí của đại tràng.
– Bài thuốc điều trị tên Cát căn cầm liên thang: Cát căn 12g, hoàng liên 3g, hoàng cầm 8g, cam thảo 4g. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày uống sau khi ăn.
Tùy chứng trạng của người bệnh, mà các thầy thuốc y học cổ truyền sẽ dùng liều lượng và gia giảm cho thích hợp.
Bài thuốc trị chứng đại tràng thấp nhiệt do thấp nhiệt nung nấu uất kết ở đại tràng
– Triệu chứng: đau bụng, đau nhiều ở bụng dưới, đại tiện dính trệ, mót rặn, khó chịu, nóng rát ở giang môn.
– Điều trị: Thanh hóa thấp nhiệt, điều khí.
– Bài thuốc điều trị tên Thược dược thang gia giảm: thược dược 40g, đương quy 20g, hoàng liên 20g, nhục quế 3g, hoàng cầm 20g, cam thảo 8g, mộc hương 8g, đại hoàng 12g, tân lang 8g. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn.
Bài thuốc trị chứng đại tràng thấp nhiệt do thấp nhiệt hun đốt làm tổn hại khí huyết sinh ra chứng lỵ tật
– Triệu chứng: Giang môn nóng rát, đại tiện ra máu mủ.
– Điều trị: Thanh nhiệt, lợi thấp, lương huyết.
– Bài thuốc điều trị tên Bạch đầu ông thang gia giảm: Bạch đầu ông 8g, hoàng bá 12g, hoàng liên 12g, trần bì 12g. Nếu đại tiện phân có màu như tương thì gia nha đảm tử 12g.
Tùy theo chứng trạng của bệnh mà gia giảm các vị khác và dùng liều lượng cho thích hợp. Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Vị thuốc bạch đầu ông trong bài thuốc trị chứng đại tràng thấp nhiệt
Bài thuốc trị chứng đại tràng thấp nhiệt do thấp nhiệt ủng kết ở bên dưới đại tràng sinh ra bệnh trĩ
– Triệu chứng: Khi đại tiện thường ra máu tươi, nếu là trĩ ngoại thì lòi ra ngoài, đại tiện đau tức hậu môn, phải mót rặn.
– Điều trị: Thanh nhiệt hóa thấp, hành khí hoạt huyết.
– Bài thuốc điều trị tên Hòe giác hoàn: Hòe giác 20g, hoàng cầm 20g, địa du 20g, đương quy 20g, phòng phong 20g, chỉ xác 20g. Giảng viên YHCT – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, tùy chứng trạng của bệnh nhân mà dùng liều lượng và gia giảm cho thích hợp. Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần, uống trước khi ăn.
Bài thuốc trị chứng đại tràng thấp nhiệt do thấp nhiệt làm úng tắc đại tràng sinh ra chứng đại tràng ung (ung nhọt)
– Triệu chứng: Phía bên phải bụng dưới của bệnh nhân đau dữ dội, kèm theo sốt.
– Điều trị: Hóa ứ, thanh lợi thấp nhiệt, tiêu ung.
– Bài thuốc điều trị tên Đại hoàng mẫu đan bì thang gia giảm: Đại hoàng 60g, mang tiêu 15g, mẫu đan bì 40g, đông qua nhân 20g, đào nhân 50 hạt. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà dùng liều lượng và gia giảm cho thích hợp. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Bài thuốc trị chứng đại tràng thấp nhiệt do thấp ôn sinh ra chứng đại tràng thấp nhiệt
– Triệu chứng: bệnh nhân ra nhiều mồ hôi, sốt dai dẳng, không những nhiệt không lui mà xuất hiện triều nhiệt, ăn kém, có khi không muốn ăn, bụng chướng đầy, đại tiện lỏng mà khó đi.
– Điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp.
– Bài thuốc điều trị tên Tam nhân thang: Hạnh nhân 20g, ý dĩ nhân 24g, bạch đậu khấu 8g, hoạt thạch 24g, bán hạ 20g, hậu phác 8g, trúc diệp 8g, thông thảo 8g. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, tùy chứng trạng của bệnh nhân mà dùng liều lượng và gia giảm cho thích hợp.
Hi vọng những thông tin trên mang đến cho bạn nhiều kiến thức về y học. Tuy nhiên điểu này không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc chuyên khoa và bạn cần khám ngay nếu thấy cơ thể gặp bất kỳ điểm khác lạ bất lợi nào!
Nguồn: Phạm Đức Dương – benhhoc.edu.vn