Bài Thuốc Y Học Cổ Truyền Chữa Mất Ngủ

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ khiến cơ thể mệt mỏi. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh mất ngủ, nguyên nhân, tác hại và bài thuốc Y học cổ truyền chữa bệnh mất ngủ.

nhung-mon-an-chua-benh-mat-ngu-cuc-hieu-qua

Các rối loạn thường gặp trong mất ngủ bao gồm khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, dậy sớm không ngủ lại được hoặc tỉnh dậy nhiều lần khi ngủ. Ở người cao tuổi, thời gian ngủ sẽ ít dần, có khuynh hướng thức dậy sớm hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của giấc ngủ, sau khi ngủ dậy phải cảm thấy tinh thần sảng khoái phấn chấn, thích làm việc.

Mất ngủ đã được đề cập đến từ lâu và ngày càng trở thành một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Mất ngủ kéo dài sẽ dẫn đến giảm trí nhớ khó tập trung chú ý, giảm sút khả năng lao động và hậu quả tất yếu là làm giảm chất lượng sống, nguy cơ phát sinh một số bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh đang mắc.

Mất ngủ trong y học cổ truyền gọi là chứng “thất miên”, “bất mị”, “bất đắc miên”… và thường kèm thêm các triệu chứng: đau đầu, váng đầu, tâm phiền, hay quên… mà nguyên nhân do suy giảm chức năng của các tạng Tâm, Tỳ, Can, Thận… làm cho thần không được yên ổn, do tinh khí của các tạng này suy giảm, mặt khác còn do tà khí bên ngoài nhiễu động.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của mất ngủ theo Y học cổ truyền

Suy nghĩ hay lao lực nhiều lần làm tổn thương tới chức năng của hai tạng Tâm, Tỳ vì vậy dẫn đến nguồn sinh huyết dịch bị tiêu hao đi, không thể dưỡng tâm để tàng thần… sẽ dẫn đến mất ngủ. Đây là do tâm tỳ hư mà dẫn đến mất ngủ mà gốc là huyết hư.

Ở những người cơ thể bẩm sinh hư nhược, hay mắc bệnh lâu ngày… làm cho thận âm bị hao tổn không giao hòa được với tâm dẫn đến chứng tâm thận bất giao, hậu quả là tâm âm hư tâm hỏa vượng mà dẫn đến mất ngủ. Đây là do tâm thận bất giao mà gốc là thận thủy không đủ làm cho âm bất thăng lên, dẫn đến tâm hỏa vượng mà sinh ra mất ngủ.

Ăn uống không điều độ, dẫn đến thức ăn ngưng trở lại ở trung tiêu, lâu ngày thành đàm hóa nhiệt nhiễu động lên trên dẫn đến mất ngủ.

an-uong-khong-dieu-do-dan-den-chung-mat-ngu

Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác nhau như: đột nhiên bị kinh sợ, làm nhiễu loạn tâm thần dẫn đến tâm phiền bất an mà đưa tới mất ngủ. Hay ở người trong cuộc sống có nhiều lo toan suy nghĩ căng thẳng, làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, ngủ ít hay mê… tình trạng này kéo dài cũng dẫn đến mất ngủ.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền của Mất ngủ

1. Mất ngủ Thể tâm tỳ lưỡng hư:

Triệu chứng lâm sàng: người bệnh khi ngủ hay mê, dễ tỉnh giấc. Tâm phiền hay quên, cơ thể và tinh thần có cảm giác mỏi mệt, ăn uống giảm sút, sắc mặt kém tươi tỉnh, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: Dưỡng tâm, kiện tỳ, an thần

Điều trị cụ thể:

Châm cứu: châm bổ các huyệt Thần môn, Tam âm giao, Nội quan, Huyết hải, Phục lưu, Túc tam lý.

Bài thuốc cổ phương: Quy tỳ thang (Tế sinh phương)

  • Nhân sâm hay Đẳng sâm 12 – 16g Bạch truật 12g
  • Toan táo nhân 12g Mộc hương bắc 4g
  • Đương quy 12g Hoàng kỳ 12g
  • Phục thần 12g Nhục quế 8g
  • Chích cam thảo 6g Viễn trí 6g
  • Sinh khương 3 lát Đại táo 4 – 6 quả

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Trong bài này ngoài tác dụng bổ dưỡng tâm tỳ để sinh khí huyết, còn có Phục thần, Toan táo nhân, Viễn trí, Đại táo để an tâm thần.

Có thể gia thêm: Dạ giao đằng để trợ giúp an thần dưỡng tâm

Nếu người bệnh kèm thêm đầy bụng, ăn kém, rêu lưỡi trơn ướt có thể chọn dùng các vị thuốc có tác dụng hóa đàm, hành khí: Bán hạ chế, Trần bì, Phục linh, Hậu phác.

Nếu đêm ngủ hay mê, thường kinh hãi gia thêm: Long cốt để trấn kinh an thần.

2. Mất ngủ Thể âm hư hỏa vượng

phuong-phap-chua-benh-mat-ngu-bang-bai-thuoc-y-hoc-co-truyen

Triệu chứng lâm sàng: Người bệnh biểu hiện tâm phiền mất ngủ, bốc hỏa, ù tai, miệng khô. Có thể xuất hiện tâm phiền nhiệt. Chất lưỡi đỏ, mạch tế sác… thể hiện những triệu chứng của âm hư sinh nội nhiệt.

Pháp điều trị: tư bổ thận âm, thanh tâm giáng hỏa, an thần

Điều trị cụ thể:

Châm cứu: Châm bổ các huyệt Thận du, Tam âm giao, Thái khê, Phục lưu.

Châm tả các huyệt: Thần môn, Bách hội, Thái xung, Nội quan

Bài thuốc cổ phương: Thiên vương bổ tâm đan

  • Đẳng sâm 10g Đan sâm 16g
  • Huyền sâm 10g Phục linh 12g
  • Bá tử nhân 10g Toan táo nhân 10g
  • Ngũ vị tử 8g Viễn trí 6g
  • Sinh địa 12g Cát cánh 8g
  • Đương quy 16g Thiên môn 12g
  • Mạch môn 12g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Với tỷ lệ giữa các vị thuốc như vậy có thể bào chế dưới dạng đan tễ, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g.

Trong bài thuốc này Sinh địa, Đan sâm, Đương quy có tác dụng dưỡng âm, bổ huyết. Toan táo nhân, Viễn trí, Bá tử nhân có tác dụng an thần. Có thể gia thêm Hoàng liên để thanh tâm hỏa, Trân châu mẫu để bình can dương.

3. Mất ngủ Thể đàm nhiệt nội nhiễu

Triệu chứng lâm sàng: người bệnh mất ngủ, tức ngực, đầu có cảm giác nặng, tâm phiền, miệng đắng, hoa mắt, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: hóa đàm, thanh nhiệt, an thần

Điều trị cụ thể:

Châm cứu: Châm tả các huyệt Phong long, Túc tam lý, Thái xung, Thiếu hải. Châm bổ các huyệt Túc tam lý, Tỳ du, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao.

Bài thuốc cổ phương: Ôn đởm thang (Thiên kim phương)

  • Bán hạ chế 12g Phục linh 16g
  • Trần bì 12g Cam thảo 4g
  • Chỉ thực 12g Trúc nhự 8g
  • Đại táo 5 quả.

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Trong bài này gồm có Nhị trần thang kết hợp với Chỉ thực để lý khí hóa đàm. Có thể gia thêm Hoàng liên, Chi tử kết hợp với Trúc như trong bài để thanh tâm, giáng hỏa. Nếu đại tiện táo kết sẽ gia thêm Đại hoàng, Trúc diệp để táo nhiệt, thông phủ.

Chú ý: Để điều trị chứng mất ngủ có hiệu quả, ngoài phương pháp sử dụng thuốc và châm cứu còn phải chú ý loại bỏ các stress âm tính, các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu… và tạo cho mình một thói quen làm việc và rèn luyện thể lực khoa học, hợp lý.