Cách điều trị bệnh viêm tai giữa

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Viêm tai giữa là bệnh thường gặp nhưng có thể để lại hậu quả khôn lường. Vì vậy khi có nghi ngờ hoặc phát hiện bệnh cần đưa đi khám để được điều trị hợp lý tránh tình trạng tự ý mua thuốc  tự điều trị.

Nguyên tắc chung trong điều trị viêm tai giữa

Nguyên tắc chung trong điều trị viêm tai giữa

Nguyên tắc chung trong điều trị viêm tai giữa

Bệnh viêm tai giữa là căn bệnh thường gặp ở mọi đối tượng khác nhau, theo đó bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nên khi xác định được căn bệnh cần có sự phân loại viêm tai giữa cấp tính hay mạn tính, vì nguyên tắc điều trị có khác nhau. Cụ thể:

Viêm tai giữa cấp tính

Trong viêm tai giữa cấp tính, đối tượng hay gặp là ở trẻ em, phần lớn bệnh bắt nguồn từ viêm mũi họng cấp như viêm amidan, viêm VA, viêm họng cấp…Điều trị trong trường hợp cấp tính lại khác nhau ở mỗi giai đoạn của bệnh. Giai đoạn đầu tiên của bệnh là giai đoạn xung huyết, lúc này trong tai chưa có ứ đọng mủ. Điều trị giai đoạn này chủ yếu là điều trị các bệnh viêm mũi họng. Khi các bệnh viêm mũi họng được chữa khỏi, bệnh tai giữa cũng tự khỏi.

Sau giai đoạn xung huyết là giai đoạn ứ mủ, lúc này mủ ứ đọng trong tai giữa làm màng nhĩ căng phồng gây đau đớn và sốt cao, ở giai đoạn này cần có nguyên tắc điều trị phù hợp: trích rạch màng nhĩ để tháo mủ, dùng thuốc rửa viêm tai giữa để rửa hằng ngày, cân nhắc việc dùng thuốc kháng sinh cho trẻ, dùng thuốc giảm đau hạ sốt để điều trị triệu chứng cho trẻ, và giải quyết các vấn đề mũi họng nếu có.

Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn chảy mủ. Giai đoạn này sẽ xuất hiện nếu giai đoạn ứ mủ không được điều trị hiệu quả và dứt điểm, lúc này màng nhĩ sẽ bị rách, mủ chảy ra ngoài, giai đoạn này đau, sốt thuyên giảm thường gây lầm tưởng cho cha mẹ là bệnh đã khỏi, ở giai đoạn này cần điều trị như sau: dùng thuốc rửa viêm tai giữa hằng ngày và theo dõi đến khi màng nhĩ liền lại, dùng thuốc kháng sinh tùy tình trạng nhiễm khuẩn của trẻ, và giải quyết các vấn đề mũi họng nếu có.

Viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa mạn tính được xác định khi có thời gian chảy mủ trên 6 tuần, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, người lớn mắc viêm tai giữa chủ yếu là tình trạng này. Điều trị viêm tai giữa mạn tính rất khó khăn và có thể để lại di chứng như giảm sức nghe, thậm chí là điếc hoàn toàn.

Theo đó, trong viêm tai giữa mạn tính được chia là 2 loại:

Viêm tai giữa mủ nhầy: ở giai đoạn này có thể gây viêm ống tai ngoài, xơ màng nhĩ, hoặc điếc. Nguyên tắc điều trị viêm tai giữa thể này cần chú ý: dùng thuốc rửa viêm tai giữa, nhỏ kháng sinh, chống viêm vào tai, điều trị các vấn đề mũi họng nếu có.

Những sai lầm khi điều trị viêm tai giữa

Những sai lầm khi điều trị viêm tai giữa

Thể thứ 2 là viêm tai giữa có tổn thương xương. Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất của viêm tai giữa, bệnh gây hoại tử xương, có thể dẫn tới điếc, viêm xương chũm, viêm não- màng não, và ảnh hưởng đến tính mạnh. Nguyên tắc điều trị cho thể này là: sử dụng phương pháp phẫu thuật là chính, mục đích để dẫn lưu mủ, lấy bệnh tích và vá màng nhĩ, phục hồi chức năng nghe cho tai, điều trị triệt để các bệnh viêm mũi họng.

Những sai lầm khi điều trị viêm tai giữa

Theo các bác sĩ điều trị bệnh học chuyên khoa cho biết, không phải cứ viêm tai giữa là dùng kháng sinh. Tùy từng thể bệnh, giai đoạn bệnh mà bác sĩ điều trị sẽ quyết định viêm tai giữa có dùng kháng sinh hay không. Ví dụ viêm tai giữa xung huyết chỉ cần điều trị viêm mũi họng thì viêm tai giữa sẽ tự khỏi.

Không dùng nước rửa oxy già, vì đây là chất sát khuẩn mạnh, sẽ làm tổn thương niêm mạc. Nếu dùng lâu dài sẽ gây xơ hẹp ống tai, làm giảm khả năng nghe của trẻ. Mặt khác không rắc các loại thuốc, các loại lá vào tai theo kinh nghiệm, vì nhiều người tự ý nghiền thuốc kháng sinh thành bột rồi rắc vào tai để điều trị viêm tai giữa, điều này sẽ gây bít tắc màng nhĩ khiến mủ không thoát ra ngoài được làm bệnh nặng thêm, dễ gây viêm tai giữa mạn tính và gây tổn thương xương khớp.

Nguồn: benhhoc.edu.vn