Rau sam gần gũi với đời sống người dân Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng chúng còn là vị thuốc hay trong việc điều trị các bệnh như lỵ, sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu,…
- Tiểu sử thần y tái thế Trung Quốc Hoa Đà
- Mách bạn bài thuốc y học cổ truyền trị đau nhức xương khớp
- Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc mẫu đơn bì
Đông y trị lỵ, sỏi tiết niệu bằng rau sam
Đôi nét cơ bản về rau sam
Theo các nghiên cứu hiện đại, trong 100g rau có chứa 92g nước; 0,4g chất béo; 103mg Ca; 0,03mg vitamin B1; 2.550 đơn vị quốc tế vitamin A; 1,7g protein; 3,8g carbohydrate; 39mg P; 3,6mg Fe; 25mg vitamin C. Toàn thân rau sam chứa coumarin (các sắc tố nhóm betacyanidin), glucoside, flavonoid,… và chất nhầy. Loại cây này mọc được ở nhiều vùng có thổ nhưỡng khác nhau có lượng calci oxalate hay nitrat khác nhau.
Theo y học cổ truyền, rau sam tính lạnh, vị chua, vào đại tràng, can và thận. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán huyết tiêu thũng, mát máu. Trị viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu (tiểu giắt buốt, tiểu ra cặn sỏi và huyết), hội chứng lỵ, mụn nhọt lở ngứa. Toàn bộ cây sam đều được dùng làm thuốc, bằng cách nấu, luộc, ép nước với liều lượng dùng 60 – 200g tươi (hoặc 15 – 40g khô).
Bài thuốc và thực đơn chữa bệnh có rau sam
Dẫn nguồn từ báo Sức khỏe đời sống, trang Bệnh học – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur giới thiệu một số bài thuốc và thực đơn chữa bệnh có rau sam như sau:
Bài thuốc chữa lỵ
– Bài 1: Rau sam 100g, cỏ sữa nhỏ lá 100g, Sắc uống trong ngày; nếu đi ngoài ra máu, thêm rau má 20g, cỏ nhọ nồi 20g.
– Bài 2: Rau sam 50g, chỉ xác 20g, binh lang 20g, cỏ sữa nhỏ lá 50g, lá trắc bá 20g, hoa hòe 20g, vỏ rụt 20g. Sấy khô, tán bột. Mỗi ngày uống 20g với nước vối.
– Rau sam 20g, lá nhót 20g, cỏ nhọ nồi 20g, búp ổi 20g. Phơi hay sấy khô, tán bột mịn, làm hoàn. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 15g.
– Cháo rau sam: rau sam tươi 100g – 200g, gạo tẻ 90g. Cả 2 nấu cháo, thêm bột gia vị, ăn khi đói. Tác dụng tốt đối với người có hội chứng lỵ xuất huyết.
– Rau sam xào: rau sam 250g xào với dầu thực vật, thêm bột gia vị. Thích hợp cho người có hội chứng lỵ.
Rau sam là vị thuốc dân gian phòng trị nhiều bệnh
Bài thuốc chữa tiểu buốt, tiểu ra máu
– Bài 1: Nước ép rau sam hoà mật: nước ép rau sam 60 – 100ml đun vừa sôi, thêm 20ml mật ong khuấy đều uống. Thích hợp đối với sản phụ sau đẻ đau quặn bụng, tiểu rắt buốt.
– Bài 2: Nước ép rau sam: rau sam 100g rửa sạch để ráo, giã nát, thêm nước sôi để nguội vắt lấy 100ml, thêm ít đường trắng khuấy đều. Ngày uống 3 lần, có tác dụng rất tốt đối với người bị bệnh thường gặp như viêm đường tiết niệu, mụn nhọt, lở ngứa.
Bài thuốc trị xích bạch đới
Rau sam 100g, lòng trắng trứng gà 2 quả. Rau sam rửa sạch, để ráo, sau đó giã nát vắt lấy nước, thêm lòng trắng trứng vào; hấp chín. Ăn trong ngày, dùng liên tiếp 3 – 5 ngày.
Lưu ý: Rau sam không được dùng đối với người hư hàn tiết tả (tiêu chảy).
Những thông tin trên hi vọng mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích. Tuy nhiên điều này không thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ. Vì vậy khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường của cơ thể, bạn nên tìm đến cơ sở y tế, bệnh viện Y học cổ truyền chuyên khoa để được khám và điều trị đúng cách.
Ngoài ra bạn có thể tham gia group Hội Nhà Thuốc – Quầy Thuốc Chữa Bệnh Việt Nam để cập nhật những thông tin về thuốc cũng như điều trị các bệnh lý bằng thuốc.
Nguồn: BS.Phương Thảo – benhhoc.edu.vn