Bên cạnh vỏ, cây và lá thì bộ phận hoa của cây so đũa cũng được y học cổ truyền sử dụng làm thuốc với tác dụng chữa cảm cúm.
- Tiểu sử thần y tái thế Trung Quốc Hoa Đà
- Mách bạn bài thuốc y học cổ truyền trị đau nhức xương khớp
- Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc mẫu đơn bì
Vị thuốc hoa so đũa
Đặc điểm của cây so đũa
Tên gọi của cây so đũa: Dank kaa, angkea dey chhmol (Campuchia), phak dok khe (Lào), fayotier (Pháp).
Tên khoa học: Sesbania grandiflora Pers.
Thuộc họ cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
So đũa là cây gỗ cao từ 8-10m. Lá kép, dài 15-30cm, lá chét rất nhiều, tới 30 đôi, hình bầu dục, thuôn dài 25mm, rộng 8-10mm. Các lá ở giữa dày hơn các lá chét ở ngọn. Hoa to trắng hay hồng, xếp thành chùm ở nách, thõng. Quả dài 30-35cm thẳng, thót lại ở gốc và ở đỉnh, thu hẹp và dẹt ở khoảng cách giữa các hạt, nhưng không chia thành đốt. Hạt nhiều, hình bầu dục, dẹt, màu nâu.
So đũa được trồng nhiều ở miền Nam nước ta, Lào, Campuchia và nhiều nước nhiệt đới châu Á khác. Cây trồng chủ yếu để làm cảnh vì có hoa đẹp. Ngoài ra, chúng cũng được trồng làm cây chủ cho cây hồ tiêu leo.
Tác dụng của cây và hoa so đũa
Theo các trang Bệnh học chuyên khoa, để làm thuốc, người ta dùng vỏ, cây, lá và hoa; có thể dùng tươi và khô, tuy nhiên thường dùng tươi. Hoa so đũa chế biến khi hoa còn đương búp, hay búp hoa.
Về thành phần hóa học: Trong vỏ cây so đũa có chất gôm nhựa, có màu hồng đỏ khi còn tươi. Gôm một phần tan trong cồn, một phần tan trong nước. Hai chất màu là agathin, màu đỏ và màu vàng. Ngoài ra còn có basorin, một chất nhựa tanin.
Hoa so đũa chứa hàm lượng vitamin B, C; các acid amin, muối canxi và sắt.
Vỏ so đũa giúp ăn ngon, dễ tiêu hóa; thường dùng để chữa lỵ, tiêu chảy và viêm ruột. Dùng ở dạng thuốc sắc hay ngâm rượu, mỗi ngày uống từ 5-10g vỏ. Hoa và lá non giã nát, vắt lấy nước nhỏ mũi chữa cảm cúm.
Hoa so đũa thường dùng tươi để làm thuốc
Hoa so đũa làm thuốc
Bạn có thể dùng hoa so đũa làm các món ăn bài thuốc trị bệnh theo hướng dẫn của trang Bệnh học – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur dẫn nguồn từ báo Sức khỏe và Đời sống như sau:
Hoa so đũa chiên bột: 200g so đũa rửa sạch phấn, để ráo nước. Trứng gà đánh nổi với một chút tiêu, muối, bơ tươi. Chuẩn bị bột chiên giòn hoặc bột mì rây mịn. Hoa so đũa nhúng trứng gà, rồi lăn qua bột để bột bám sơ bên ngoài hoa, thả từng hoa vào chảo dầu sôi, rán giòn.
Cá linh nấu bông so đũa: Hoa so đũa nhặt cuống, rửa sạch. Nấu nước sôi, dằm quả me chua, thả cá linh, nêm vừa miệng, hớt bọt, cho hoa so đũa vào, sau đó nhấc xuống ngay để hoa còn giòn. Bỏ ngò gai, rau om xắt nhỏ, thêm chút tỏi phi, ớt tươi. Bạn cũng có thể thay cá linh bằng tôm, tép.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài thuốc từ vỏ cây so đũa với các làm đơn giản theo kinh nghiệm dân gian như sau: Vỏ cây so đũa 100g, ngâm vỏ so đũa thái mỏng với rượu từ 15 ngày đến 1 tháng. Uống từ 15-30ml rượu này làm thuốc bổ đắng khai vị.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy để đảm bảo an toàn và đúng bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt nhất.
Ngoài ra bạn có thể tham gia group Hội Nhà Thuốc – Quầy Thuốc Chữa Bệnh Việt Nam để cập nhật những thông tin về thuốc cũng như điều trị các bệnh lý bằng thuốc.
Nguồn: DS. Phạm Hinh – benhhoc.edu.vn