Thời điểm vào mùa viêm não Nhật bản là khi nào?

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ hoặc để lại những di chứng nặng nề, thời tiết nắng nóng, thất thường khiến trẻ có các triệu chứng sốt cao dùng thuốc không hạ, nôn khan,… đó là các dấu hiệu trẻ đã bị nhiễm trùng thần kinh trung ương. Vậy khi nào là thời điểm vào mùa viêm não Nhật bản.

Mùa hè, nhiều trẻ nhập viện điều trị

Mùa viêm não nhật bản là khi nào?

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tháng 4 năm ngoái đã ghi nhận 56 trường hợp mắc viêm não do virus tại nhiều tỉnh thành. Tính từ đầu năm, cả nước có 129 trường hợp mắc bệnh, có 5 trường hợp tử vong nghi do viêm não virus đều ghi nhận trong tháng 4.

Số mắc viêm não virus nói chung và viêm não Nhật Bản (VNNB) nói riêng thường gia tăng từ tháng 5 hằng năm và trong suốt các tháng hè nắng nóng. Viêm não Nhật Bản nếu không phát hiện điều trị sớm sẽ để lại những di chứng suốt đời. Vậy nhận biết và điều trị VNNB như thế nào? Làm sao để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này? Các bạn hãy theo dõi bài phỏng vấn dưới đây với các bác sĩ đến từ Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur nhé.

Hỏi: Thưa bác sĩ, chúng ta vẫn nghe nói đến bệnh viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm. Vậy bác sĩ có thể giải thích rõ hơn cho độc giả biết bệnh Viêm não Nhật Bản là gì?

Trả lời:

Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm nhiễm virus cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản khi gây dịch ở nước này với số người mắc và tử vong rất cao. Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên gây bệnh là một loại virus được đặt tên là virus Viêm não Nhật Bản và từ đó tên bệnh cũng được gọi là viêm não Nhật Bản.

Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm virus (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người.

Bệnh có tỉ lệ tử vong là 20%, di chứng có thể gây liệt và làm tổn thương não.

Hỏi: Ôi, bé nhà em qua giờ cũng sốt cao, em nghe vụ 3 bé viêm não ở Cao Bằng mà sợ quá, vậy làm thế nào để phòng bệnh cho bé?

Trả lời:

Chào bạn, bạn không nên quá lo lắng, thay vào đó hãy cố gắng quan sát con để xem các dấu hiệu sau nhé:

Trong mùa dịch viêm não, viêm màng não từ tháng 5 đến tháng 7, nếu trẻ sốt liên quan đến tri giác lơ mơ li bì, kèm theo dấu hiệu co giật khu trú tay chân co cứng, dấu hiệu thần kinh, đau đầu nhiều cần nghĩ đến nguy cơ này để đến viện sớm. Việc điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ di chứng để lại cho não bộ là vĩnh viễn, suốt đời.

Hãy chú ý đến những bé sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn mà việc dùng thuốc hạ sốt không mang nhiều hiệu quả giảm sốt, giảm đau; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm nhất để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé. Bác sĩ cần theo dõi bệnh nhi, khám thực thể xem trẻ có bị cứng cổ, cứng gáy, cứng cơ toàn thân không… để quyết định chọc dịch não tủy chẩn đoán xác định kịp thời điều trị.

Nhất là với viêm não Nhật Bản. So với các thể viêm não khác, bệnh nhi viêm não Nhật Bản rất nguy kịch, nặng nề, nguy cơ để lại di chứng thần kinh sau này là khó tránh khỏi.

Đặc biệt, do diễn tiến của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng thường phức tạp và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên việc bệnh nhân đến viện khi đã có biến chứng vẫn thường xảy ra.

Ở giai đoạn đầu này người bệnh thường dễ bị bỏ qua do người nhà chủ quan, nghĩ con bị sốt, viêm đường hô hấp thông thường. Trong khi đó, khi được phát hiện sớm, não chưa bị tổn thương tỉ lệ điều trị thành công sẽ cao hơn, ít di chứng thần kinh hơn.

Tiếp đến bệnh nhi có các biểu hiện sốt cao liên tục 38-40 độ C, đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, mi mắt. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng tỷ lệ có di chứng rất cao. Với các ca mắc viêm não thông thường, nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể gây tổn thương não.

Nên tiêm phòng vacxin viêm não nhật bản cho trẻ đúng kỳ

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, nên tiêm phòng cho trẻ như thế nào là đúng?

Trả lời:

Đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản: tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản:

Khi trẻ được 1 tuổi sẽ được tiêm mũi vắc xin viêm não Nhật Bản đầu tiên; mũi hai sau mũi một 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai một năm. Cần lưu ý, phải tiêm đủ 3 mũi hiệu lực bảo vệ mới đạt 90 – 95%. Còn nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Nên nhắc lại bằng 1 mũi vắc xin VNNB khoảng 5 năm sau để cũng cố miễn dịch.

Câu hỏi: Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân gây viêm não nhật bản và bệnh lây truyền qua đường nào?

Trả lời:

Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt:

Tác nhân gây bệnh: Virus viêm não Nhật Bản

Động vật nhiễm virus có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người.

Nguổn tuyền nhiễm trong thiên nhiên là loài chim, trong đó có một số loài ăn quả vải quả nhãn như tu hú, liếu điếu.

Nguồn truyền nhiễm gần người là một số loài gia súc, trong đó quan trọng nhất là lợn nhà.

Đường lây: Là đường máu, qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex là chủ yếu

Muỗi đốt súc vật bị nhiễm và sau đó truyền bệnh khi đốt trẻ em.

Ở Việt Nam loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào buổi chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, nó là trung gian truyền bệnh chủ yếu bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.

Bác sĩ Dương Trường Giang – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur khuyên rằng, bên việc điều trị, tiêm phòng đúng cách bạn cần phải giữ vệ sinh môi trường, nhà ở, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối, đề phòng muỗi đốt. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguồn: benhhoc.edu.vn