Củ nghệ là một trong các vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền với nhiều công dụng khác nhau, tiêu biểu trong việc chống viêm, lợi mật, điều trị các cơn đau do khí trệ,…
- Tiểu sử thần y tái thế Trung Quốc Hoa Đà
- Mách bạn bài thuốc y học cổ truyền trị đau nhức xương khớp
- Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc mẫu đơn bì
Hướng dẫn sử dụng củ nghệ trong bài thuốc Đông Y
Theo các nghiên cứu hiện đại, thành phần chính của củ nghệ là chất màu curcumin. Tinh chất này có hoạt tính chống viêm cao, tác dụng hỗ trợ quá trình tiêu hoá lượng thức ăn thích hợp.
Nghệ có tác dụng với bệnh lý hệ tiêu hóa đặc biệt trong việc ức chế sự tạo khí, làm tăng lượng chất nhầy trong dịch vị, bảo vệ niêm mạc đường ruột và đường tiêu hoá, chống tổn thương viêm loét, ngăn chặn sự hình thành của loét dạ dày và tá tràng.
Bài thuốc trị bệnh từ củ nghệ trong y học cổ truyền
Trong Y học cổ truyền chia nghệ làm 2 loại: nghệ vàng (khương hoàng, củ con gọi là uất kim) và nghệ tím (nga truật).
Bài thuốc trị bệnh từ Khương hoàng
Khương hoàng là củ cái của phơi khô của cây nghệ họ gừng (Gingiberaceae). Khương hoàng có vị cay, đắng tính ấm vào kinh tâm, can tỳ. Công dụng: Thông kinh chỉ thống, phá huyết hành ứ, dùng điều kinh, chữa kinh nguyệt không đều, đau dạ dày, ợ chua, ăn kém, đầy bụng, hỗ trợ điều trị viêm gan, vàng da
Bài thuốc: Khương hoàng 8g, diên hồ sách 12g, uất kim 3g, hoàng liên 6g, nhục quế 3g, nhân trần 12g. Sắc nước uống điều trị viêm đường mật, viêm dạ dày, nôn mửa, bụng trướng.
Bài thuốc trị bệnh từ Uất kim
Uất kim là củ nhánh con của cây nghệ họ gừng (Zingiberaceae). Vị cay đắng tính lạnh vào kinh tâm, can, phế. Tác dụng hành huyết phá ứ, lợi đởm thoái hoàng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, hành khí giải uất, thống kinh; Hành khí giải uất: Chữa các cơn đau do khí trệ như ngực bụng đầy trướng, đau dạ dày. Thanh can đởm thấp nhiệt: Chữa viêm gan hoàng đản, xơ gan, sỏi mật, viêm túi mật. Ngày dùng 6g – 12g (dùng sống)
Bài thuốc: Bột uất kim hằng ngày uống 6g với nước sắc đảng sâm 12g uống hàng ngày trị sỏi mật.
Ngoài ra, người bệnh có thể dùng bài: màng mề gà 6g, uất kim 9g, chỉ thực 12g, kim tiền thảo 30g, kim ngân hoa 15g, đại hoàng sống 3g, nhân trần 30g. Ngày 1 thang, sắc 2 lần, uống sáng và chiều chữa viêm đường mật và sỏi mật.
Củ nghệ là vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền
Bài thuốc trị bệnh từ Nga truật trong y học cổ truyền
Theo giảng viên Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y dược Pasteur thì trong môn Dược liệu có chia sẻ, Nga truật là thân rễ phơi khô của cây nghệ tím (Curcuma zedoaria); vị cay, đắng, tính ôn, vào can kinh. Tác dụng phá huyết, hành khí, tiêu tích hóa thực.
Điều trị các bệnh đường tiêu hóa như: Viêm niêm mạc và loét hành tá tràng, thường đau bụng không rõ nguyên nhân, ăn uống chậm tiêu, buồn nôn, ho, kinh nguyệt không đều.
Ngoài ra, vị thuốc này còn dùng làm thuốc bổ dưới dạng thuốc sắc, bột hoặc viên, có thể cho thêm mật ong.
Bài thuốc: Nga truật, chế hương phụ 6g, trần bì 10g; sa nhân 3g, la bạc tử 5g, tam lăng đều 5g; thanh bì, lô hội đều 3g; chỉ thực đều 6g, hồ tiêu 5g, hồ hoàng liên. Tất cả tán bột mịn trộn đều hồ hoàn, mỗi lần uống 3 – 6g, ngày 2 lần có tác dụng kích thích tiêu hóa.
Bên cạnh đó, các loại nghệ trên đều có thể tán bột dùng chung với mật ong ăn trực tiếp hoặc làm thành viên hoàn uống hằng ngày điều trị đau dạ dày.
Hi vọng những thông tin được các giảng viên tại Trường Cao đẳng Y dược Pasteur chia sẻ tại website bệnh học có thể giúp người bệnh có thêm kiến thức về tác dụng của củ nghệ. Để đảm bảo sức khỏe, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ đông y trước khi sử dụng.
Nguồn: benhhoc.edu.vn